Ngày 7/7, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở VH-TT tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa và diễu hành tri ân ngưỡng vọng tiền nhân, nhân ngày giỗ của chúa Nguyễn Phúc Khoát, người có công định chế áo dài Việt Nam. Ảnh: Văn Thể Huế |
Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng lễ hội mùa Thu thuộc Festival Huế 4 mùa năm 2023. Đây còn là hoạt động ý nghĩa tại Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế năm 2023. Ảnh: Văn Thể Huế |
Tham dự lễ có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy TT-Huế Phan Ngọc Thọ; lãnh đạo các sở, ngành; hậu duệ nhà Nguyễn, cùng đại diện hội may thêu thời trang, các nhà thiết kế, người mẫu, những người yêu mến áo dài và nhóm nghệ nhân Đình làng Việt ở Hà Nội, Thanh Hoá... Ảnh: Văn Thể Huế |
Trong khuôn khổ lễ tri ân, đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tại lăng Trường Thái (làng La Khê, Hương Thọ, TP Huế) theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Văn Thể Huế |
Tiếp đó, tại Đại nội Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức đoàn nghi thức rước lễ dâng hương tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát từ Ngọ Môn vào Triệu Miếu. Ảnh: Văn Thể Huế |
Các đoàn đến dâng hoa, dâng hương để tỏ lòng biết ơn bậc tiền nhân đã khai sáng, phát triển chiếc áo dài và ngày nay trở thành trang phục truyền thống của Việt Nam. Ảnh: Văn Thể Huế |
Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc cũng tổ chức lễ húy kỵ và tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát tại lăng Trường Thái và Triệu Miếu. Ảnh: Văn Thể Huế |
Các hoạt động nhằm tri ân ngưỡng vọng tiền nhân, tôn vinh nét đẹp truyền thống của áo dài Huế, đồng thời cũng là dịp quảng bá hình ảnh áo dài Huế nói riêng và áo dài Việt Nam nói chung đến đông đảo công chúng, du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Văn Thể Huế |
Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), húy là Hiểu, hiệu Vũ Vương, là vị chúa Nguyễn thứ tám trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765. Ngày 7/7/1765 (nhằm 20.5 âm lịch năm Ất Dậu), chúa Nguyễn Phúc Khoát qua đời, thọ 51 tuổi. Ông được táng tại lăng Trường Thái, làng La Khê (nay thuộc xã Hương Thọ, TP Huế). Ảnh: Văn Thể Huế |
Thời chúa trị vì Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong đã có nhiều cải cách được ban hành, trong đó có quy định nhằm định chế lại chế độ y quan trong triều đình, quy định lại chiếc áo dài của cả nam lẫn nữ nhằm phân biệt y phục giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Vì thế Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát được xem là “ông tổ” của áo dài Việt Nam. Ảnh: Văn Thể Huế |
Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH-TT tỉnh TT-Huế, cho biết: “Có một di sản đặc biệt mà chúa Nguyễn Phúc Khoát để lại cho thế hệ sau đó là áo dài. Khi xưng vương định đô, chúa Vũ Vương đã làm một việc mà các triều đại đều mong thực hiện được đó là chế độ y quan và chế độ lễ nhạc. Ảnh: Văn Thể Huế |
Y quan là chế độ mũ áo thể hiện sự độc lập trong trang phục của một triều đại, của một dân tộc. Lễ nhạc là thể hiện sự văn minh, trình độ của đất nước. Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã làm được cả hai điều này. Y quan thì ông cải cách triều phục đến thế kỷ 19 thì vua Minh Mạng đã đưa y phục này thành quốc phục thống nhất cả Đàng Trong và Đàng Ngoài”. Ảnh: Văn Thể Huế |