Thổi 'làn gió mới' cho hát bội

0:00 / 0:00
0:00
Những hình ảnh trong dự án “Bội Tự”
Những hình ảnh trong dự án “Bội Tự”
TP - Trong những ngày ở nhà thực hiện giãn cách chống dịch COVID-19, Nguyễn Phương Vy đã biến ý tưởng nhỏ trở thành dự án đặc biệt, thổi thêm “làn gió mới” vào bộ môn nghệ thuật truyền thống hát bội, vốn đang có nguy cơ mai một.

Hát bội, hay còn gọi là hát tuồng, là một trong “Bộ ba” của loại hình Sân khấu truyền thống tiêu biểu của Việt Nam. Loại hình nghệ thuật sân khấu này có xuất xứ từ thời Trần, vốn là các tiết mục trình diễn cho vua chúa và quan thần trong những buổi tiệc cung đình, về sau được phổ biến với dân chúng và trở nên thịnh hành trong văn hoá Việt.

Vào giai đoạn vàng son, các gánh hát bội thu hút người xem bởi những đặc tính nghệ thuật riêng biệt như lối diễn xuất mang tính cường điệu hóa, với kỹ thuật “nói lối” — xen lẫn nói với hát, đòi hỏi một chất giọng to, cao và rõ. Ngoài ra, phục trang người nghệ sĩ thể hiện rõ nét những đặc điểm của nhân vật, thiện ác phân định rõ ràng.

Trong nhịp sống hiện đại, các sân khấu hát bội dường như mất đi ánh hào quang do thị hiếu thay đổi của khán giả. Hơn nữa, bộ môn nghệ thuật này cũng mang tính ước lệ và tượng trưng cao, khiến người xem ngày nay cảm thấy khó khăn trong việc cảm thụ.

Thổi 'làn gió mới' cho hát bội ảnh 1

Qua dự án “Bội tự”, Nguyễn Phương Vy mong muốn góp phần mang nghệ thuật Hát Bội đến gần hơn với người trẻ

Như nhiều bạn trẻ khác, Nguyễn Phương Vy (sinh viên Đại học Mỹ thuật TP.HCM) tự nhận mình không thực sự hiểu biết và quan tâm đến nghệ thuật hát bội. “Tuy nhiên, trong một lần trường mình đón đoàn hát bội về biểu diễn, được trực tiếp chứng kiến từ quá trình dựng sân khấu, hóa trang và xem các nghệ sĩ biểu diễn cũng như sinh hoạt giới thiệu loại hình này, mình rất tò mò và bắt đầu tìm hiểu.

Càng đọc nhiều, xem nhiều, càng thấy hát bội là một trong những loại hình nghệ thuật rất ấn tượng về thị giác, từ trang phục biểu diễn, hóa trang, cho đến những chiếc mặt nạ nhiều màu sắc được người nghệ sĩ tỉ mỉ vẽ lên… “, Phương Vy chia sẻ.

Với mong muốn lan tỏa hát bội đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, cô sinh viên năm cuối chuyên ngành Thiết kế đồ họa quyết định thực hiện dự án “Bội Tự”, lồng ghép hát bội vào bảng chữ cái một cách mới lạ và đa dạng. Qua đó, tổng hợp những thông tin cơ bản về bộ môn Hát Bội để người xem có thể nắm được những khái niệm cơ bản nhất về loại hình nghệ thuật này.

Phương Vy cho biết, kiểu chữ cái trong dự án được lấy cảm hứng từ lông chim trĩ trên chiếc mão trong trang phục hát bội, với sự tương phản mạnh giữa các nét thanh đậm, các nét móc nhọn kéo dài. Các chữ cái được cách điệu, thể hiện cho nội dung của cụm chữ có ký tự đó đứng đầu, lồng ghép những hình ảnh đặc trưng của hát bội như đạo cụ, lễ phục, sân khấu, v.v…

Chẳng hạn, với chữ cái C, Phương Vy lựa chọn diễn giải khái niệm “cờ lệnh”: một trong những đạo cụ sân khấu thường thấy ở hát bội, hay được giắt phía sau lưng, ló lên ở hai vai. Cờ lệnh và áo giáp đi đôi với nhau là trang phục thường thấy của các nhân vật võ tướng. Hình ảnh minh họa đi kèm là cây cờ lệnh được thiết kế mềm mại, uốn cong theo hình chữ C.

Với chữ cái H, Vy diễn giải về “hia”: một loại giày dùng cho các nhân vật nam của nghệ thuật tuồng, có cổ đứng, đế cong hình bán nguyệt, nhân vật khi rơi vào tình huống bi kịch thường dùng chân hia để bê, xiết thể hiện nội tâm. Minh họa đi kèm là đôi hia với hai chiếc giày chẽ ra, kết nối khéo léo thành hình chữ H.

Hay với chữ cái K, cụm từ được Phương Vy lựa chọn giải nghĩa là “kép”. Đây là từ dùng để chỉ người đàn ông ca hát trên sân khấu hát bội, cải lương… Sau khi phác họa lên máy, chỉnh sửa và chắt lọc nội dung, các chữ cái được Vy vẽ bằng gam màu trầm nhằm tạo cảm giác hơi hướng truyền thống.

Nói về những khó khăn khi thực hiện dự án, Phương Vy cho biết: “Hát bội là loại hình nghệ thuật lâu đời nên nguồn tư liệu khá hiếm và rải rác ở nhiều nơi. Trong quá trình làm mình đã tìm được hai nguồn tư liệu lớn nhất là Sổ tay Hát Bội (tác giả Huỳnh Ngọc Trảng) và Nghệ thuật Sân khấu Hát Bội (tác giả Lê Văn Chiêu). Bên cạnh đó, mình còn ghi chép những nội dung được giới thiệu trong buổi xem hát trực tiếp và chụp lại hình ảnh hóa trang, trên sân khấu làm tư liệu thực hiện dự án”.

“Có rất nhiều hoạt động, chương trình biểu diễn hát bội tại các trường học, ở Thảo Cầm Viên hay lăng Lê Văn Duyệt. Mình cũng thấy có khá nhiều bạn trẻ đến đó để vẽ ký họa và xem biểu diễn. Điều đó chứng tỏ hát bội có sự hấp dẫn riêng, và giới trẻ không thờ ơ với văn hóa truyền thống của dân tộc, chỉ là cần có cách nào đó để giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn”, Phương Vy nhận định.

Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại qua cách nhìn đầy sáng tạo của cô sinh viên trường mỹ thuật đã khiến cho những con chữ khô cứng trở nên mềm mại như những chuyển động bay bổng của người nghệ sĩ hát bội.

Sau thành công của “Bội Tự”, hiện Phương Vy đang ấp ủ kế hoạch mới để ra đời thêm nhiều dự án độc lạ, mang hơi thở của nghệ thuật truyền thống Việt, đem đến sự tiếp cận gần gũi hơn với đại chúng.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

TPO - Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống vừa được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) ký ban hành với mục đích đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh, đồng thời bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn.
Điểm cầu tỉnh Cao bằng tham gia họp trực tuyến.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn

TPO - Sáng 23/11, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội nghị trực tuyến làm việc với lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của 2 tỉnh trong quá trình thực hiện.