Trong đời sống tinh thần của người Tây Nguyên, thần lúa có vai trò rất quan trọng. Họ tin rằng, vụ mùa thuận lợi, thóc đầy bồ là do thần ban tặng. Do đó, sau khi thu hoạch xong (thường rơi vào tháng 12 dương lịch), người dân sẽ làm lễ tôn vinh hạt thóc hay còn gọi là lễ mừng lúa mới, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình sung túc và buôn làng yên vui. |
Theo phong tục, sau khi thu hoạch xong mùa màng, mỗi nhà sẽ làm nghi lễ mừng lúa mới riêng. Nghi lễ lớn hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mỗi gia đình. |
Sau khi từng hộ gia đình cúng xong, cả buôn sẽ tập trung tại nhà cộng đồng hoặc khu vực rộng lớn hơn để làm lễ cúng lúa mới cho cả làng. Dù lễ cũng lớn hay nhỏ đều phải có các vật dụng và lễ vật như: Cây nêu, dụng cụ lao động (đồ chọc lỗ gieo hạt, giỏ tuốt lúa, nồi cơm, dao…), 3 ché rượu cần, 1 con gà hoặc 1 con heo, 1 ống lồ ô và các loại nông sản mới thu hoạch. |
Khi bắt đầu nghi lễ, thầy cúng sẽ dùng ống lồ ô thổi ra âm thanh và đọc bài cúng để gọi hồn lúa về nhà. Sau đó, thầy cúng lấy máu của con gà trống bôi lên tất cả các vật dụng trong gia đình đã được chuẩn bị sẵn, đánh dấu sự hiện diện của thần lúa. |
Tiếp đến, thầy cúng thực hiện nghi thức cúng thần lúa. Thầy dùng bột gạo vừa được giã chung với các loại củ để bôi lên các vật dụng trong nhà và các thành viên trong gia đình cầu sức khỏe dồi dào, kho luôn đầy lúa. |
Cúng xong, già làng đặt ít đồ ăn lên kho lúa và đổ rượu được đựng trong chiếc sừng trâu xuống kho lúa để xin phép thần linh lấy lúa từ trong kho ra nấu cơm. Quá trình diễn ra lễ cúng luôn có tiếng chiêng giúp kết nối với thần linh. Nghi lễ cúng lúa mới hoàn thành, bà con buôn làng uống rượu cần, ăn những món ăn truyền thống và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. |