Soi nông sản qua chuyện quả vải

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Khi lô vải đầu tiên Việt Nam cập sân bay Nhật Bản, tất cả rất hồi hộp, chờ từng diễn biến của lô hàng. Đối tác Nhật cũng hiểu ý nghĩa của chuyến hàng này nên từ lúc hàng vừa đến cảng cho đến khi vào siêu thị để lên kệ hàng, họ đều cập nhật và gửi hình ảnh cho công ty. Sau khi nhận được tin nhắn, lô hàng thông quan thành công, chúng tôi vỡ òa sung sướng”, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam chia sẻ.

“Hồi hộp như sinh đứa con đầu lòng”

Đầu tháng 5, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương khi vải đến mùa thu hoạch. Người dân ai cũng lo lắng, bởi cứ nghĩ đến việc hàng trăm nghìn tấn vải đang đỏ rực ở ngoài vườn, trên đồi mà thấp thỏm không yên. Đặc biệt, những vùng trồng vải xuất đi Nhật vốn trồng đã khó, tốn nhiều chi phí nay không biết có bán được không.

“Lúc đó, người dân chỉ cần bỏ bê không chăm sóc cây vải để sâu rệp, hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách là coi như hỏng cả vụ. Đặc tính của vải là thời gian thu hoạch rất ngắn. Đặc biệt, vào thời điểm nắng nóng, nếu chậm 1 ngày, vải chín quá sẽ không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên áp lực thu hoạch rất lớn”, bà Hồng nhớ lại thời điểm mùa vải đầy căng thẳng tại Hải Dương, Bắc Giang năm nay.

Dù hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây, rau quả sang thị trường quốc tế hơn 10 năm, nhưng bà Hồng cho biết: “Ấn tượng nhất vẫn là khi xuất lô vải đầu tiên của Việt Nam sang Nhật”.

Đó là vào ngày 20/5/2020, sau quá trình đàm phán hơn 5 năm giữa cơ quan chức năng hai nước, phía Nhật cũng cấp phép cho 3 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu loại quả “tiến vua” này sang thị trường xứ Mặt trời mọc.

“Sau khi nhận được tin nhắn, cơ quan chức năng nước Nhật xác nhận lô hàng thông quan thành công. Chúng tôi ai cũng vỡ òa sung sướng, như chào đón đứa con đầu lòng”, bà Hồng chia sẻ.

Để vải xuất khẩu sang Nhật, bà Hồng cho biết lô hàng phải được kiểm tra tổng quát hơn 800 chỉ tiêu liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật để chứng minh vải không tồn dư. Đến ngày thu hoạch, DN phải kiểm tra lại lần nữa, rồi mới được đưa vào buồng khử trùng. Chưa kể, trong quá trình trồng và chăm sóc, DN phải cử nhân viên xuống hướng dẫn người dân chăm sóc đúng quy trình ngặt nghèo. Do vậy, chỉ cần bất cẩn một khâu nào đó, thiệt hại sẽ rất lớn.

Soi nông sản qua chuyện quả vải ảnh 1

Các chuyên gia Nhật kiểm tra rất kỹ càng lô vải Việt Nam

“Trước đây có những lô sầu riêng của chúng tôi xuất sang Nhật, chỉ để lọt 1 con rệp li ti vẫn phải chịu phạt nặng. Bây giờ, dù đến vụ xuất hàng trăm tấn sầu riêng, nhưng chúng tôi phải kỳ công dùng bàn chải cọ sạch từng ngóc ngách từng quả rồi mới dám xuất hàng”, bà Hồng nói.

Năm 2020, Việt Nam mới chỉ có 1 cơ sở để xử lý vải ở Bắc Giang. Tất cả vải xuất đi Nhật của các tỉnh phía Bắc đều được tập trung về đây, xếp hàng dằng dặc để chờ đến lượt vào khử trùng. Phía Nhật cũng cử chuyên gia kiểm dịch sang để giám sát. Tuy nhiên, năm nay do dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các chuyên gia nước này không thể sang được nên đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) giám sát và kiểm dịch thay.

“Nhật Bản cũng cấp phép thêm 2 cơ sở khử trùng tại Hải Dương. Trong lúc dịch bệnh căng thẳng và điều kiện đi lại khó khăn, để kịp tiến độ thu hoạch, cán bộ kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật cũng gói ghém “đồ nghề” xuống ăn nghỉ tại chỗ cùng với DN. Lô vải nào khử trùng xong, đạt tiêu chuẩn là cấp giấy phép xuất khẩu ngay”, bà Hồng kể lại.

Động lực buộc phải thay đổi

Mùa vải năm ngoái và năm nay tại Bắc Giang và Hải Dương được đánh giá khá thành công, là điển hình về tổ chức tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19. Vải vừa được mùa, được giá. Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, quả vải Việt Nam khi xuất sang thị trường Nhật được khách hàng đánh giá rất cao. Giá bán tại các siêu thị đến tay người tiêu dùng Nhật Bản có thời điểm lên tới 500 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là vùng nguyên liệu trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường này hiện còn rất hạn chế.

“Năm ngoái, công ty mới thu mua được 1 tuần đã hết hàng. Năm nay, công ty hứa với đối tác sẽ cung cấp vải đến tháng 7, nhưng mới đến ngày 20/6, nguyên liệu đã kiệt”, bà Hồng chia sẻ.

Soi nông sản qua chuyện quả vải ảnh 2

Muốn quả vải phát triển bền vững, người dân cần thay đổi thói quen sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu

Theo nữ doanh nhân này, không phải vải trong nước thiếu nguồn cung mà do chúng ta trồng vô tội vạ, không theo tiêu chuẩn nào nên không thể xuất được. Đáng chú ý, khi thấy vải Việt Nam nhiều tín hiệu tích cực từ khách hàng Nhật Bản, các DN Trung Quốc cũng ồ ạt đưa vải của nước này sang cạnh tranh, với giá bán thấp hơn nhiều. Thậm chí, có lúc họ còn khuyến mãi mua 1 tặng 1 khiến giá vải tại thị trường Nhật sụt giảm. Tuy nhiên, theo đánh giá của khách Nhật, họ vẫn thích vải Việt Nam hơn vì có đặc trưng riêng, ăn thơm và ngon hơn nên tiềm năng thị trường rất lớn.

Bà Hồng cho rằng việc xuất khẩu vải sang Nhật mới chỉ là thành công nhỏ. Bởi, so với lượng vải xuất sang Trung Quốc còn rất khiêm tốn, nhưng đó là tiền đề và động lực để người dân chuyển đổi từ thói quen tập quán cũ sang thói quen mới.

“Trước đây, chúng ta cứ nhìn vào mỗi thị trường Trung Quốc nên giá bán dễ bị chi phối, người nông dân luôn trong tình trạng bấp bênh, được mùa mất giá. Chúng ta hay nói Trung Quốc là thị trường dễ tính. Nhưng giờ họ đã thay đổi rồi, các yêu cầu và tiêu chuẩn cũng cao như những thị trường quốc tế khác. Nếu người dân vẫn duy trì thói quen sản xuất cũ sẽ không thể phát triển bền vững được.

“Khi vào được thị trường Nhật, thì các thị trường khác như châu Âu, Mỹ, Úc, Hàn Quốc…chúng ta thâm nhập rất dễ dàng. Hai vụ vải vừa rồi, khi Việt Nam đưa được sang Nhật, giá vải trong nước tăng cao. Ngay cả Trung Quốc cũng phải mua với giá cao hơn, hay ở thị trường Úc cũng thế”.

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

TPO - Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống vừa được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) ký ban hành với mục đích đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh, đồng thời bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn.
Điểm cầu tỉnh Cao bằng tham gia họp trực tuyến.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn

TPO - Sáng 23/11, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội nghị trực tuyến làm việc với lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của 2 tỉnh trong quá trình thực hiện.