Giữa trưa, trong ngôi nhà sàn truyền thống ở buôn Hra Ea Hning (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) 3 người phụ nữ Êđê vẫn say sưa dệt bên khung cửi.
Bà H’Rưm (giữa) thành thục các kỹ thuật dệt |
Bà H’Neo Bdap (SN 1963) cho biết, ngôi nhà sàn là món quà ý nghĩa được Hội Từ Tâm trao tặng, giúp chị em yên tâm phát huy nghề dệt truyền thống. Trước đây khi chưa có nhà này, chị em tập trung dệt dưới sàn nhà của gia đình bà.
Ngày nhỏ, H’Neo và 2 em là H’Đel và H’Liăm được mẹ chỉ dạy cách dệt thổ cẩm. Bà dệt thành thạo từ năm 18 tuổi.
Bà H’Neo tổ trưởng tổ hợp tác dệt thổ cẩm đang xếp chỉ |
Vì yêu nghề dệt, ban ngày đi làm rẫy, tối về bà ngồi vào khung cửi, cứ thế gần 40 năm qua, người phụ nữ này vẫn âm thầm dệt thổ cẩm nâng cao tay nghề. Hiện con gái đầu của bà H’Neo rất mê nghề dệt. “Ngoài công việc chính đi dạy trẻ, thời gian rảnh con về nhà cùng tôi dệt thổ cẩm. Nghề dệt trở thành sợi dây vô hình, kết nối các thế hệ, góp phần gìn giữ nét văn hóa đồng bào Tây Nguyên”, bà H’Neo nói.
Chứng kiến nhiều phụ nữ trong buôn có tay nghề dệt giỏi nhưng hằng ngày phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Nhiều người tuổi cao không đủ sức khỏe lên nương rẫy, bà H’Neo đã tập hợp lại thành lập tổ hợp tác. Là tổ trưởng tổ hợp tác dệt thổ cẩm, bà H’Neo Bdap cho biết, tổ thành lập tháng 7/2022, có 6 thành viên. Tổ kết nối với nhà may Ami Sia, để lấy nguồn nguyên liệu và đầu ra sản phẩm. Trung bình một tháng, mỗi người dệt được 4 tấm thổ cẩm. Thu nhập từ việc dệt thổ cẩm khoảng 3 triệu đồng/tháng/người. Qua đó đã giúp chị em phụ nữ có thêm một nguồn để trang trải cuộc sống, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống dân tộc.
Bà H’Rưm Hmok (SN 1957) có tay nghề lão luyện, thành thục kỹ thuật dệt. Trong tổ hợp tác chỉ có bà và một nghệ nhân biết kỹ thuật Kteh. Kỹ thuật này được xem là đỉnh cao nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục. Hiện không nhiều người học được vì nó khó hơn cách dệt hoa văn thông thường.
Theo bà H’Rưm, khi còn nhỏ, bà thường cõng em nhìn mẹ dệt vải, yêu tiếng lách cách khung cửi và hoa văn độc đáo. Năm 12 tuổi, bà lấy sợi len của mẹ tự mày mò dệt. Những sản phẩm bà làm ra được người dân buôn khác mua hết. Sau đó, bà lấy chồng, ở nhà đi làm rẫy. “Hai năm nay, quay lại nghề dệt cảm giác được sống lại không gian truyền thống của dân tộc, tôi rất hạnh phúc”, bà H’Rưm phấn khởi.
Ông Y Dzhung Bya, trưởng buôn Hra Ea Hning cho biết, buôn có 400 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Êđê, có 110 hộ nghèo, hơn 50 hộ cận nghèo. Người dân làm nông. Bây giờ, chị em phụ nữ trong buôn có nghề dệt thổ cẩm vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống vừa có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống.