Phát lộ những dấu tích quan trọng tại ngôi điện lớn nhất Đại nội Huế
TPO - Cần Chánh là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm thành, Đại nội Huế - nơi từng diễn ra lễ cưới lịch sử, đầu tiên và duy nhất của một vị vua triều Nguyễn vừa được khai quật, khảo cổ học. Sau hơn 1 tháng, hoạt động đào khảo cổ đã thu thập được nhiều mảnh sành sứ, gạch vồ và làm xuất lộ nhiều dấu tích nền móng của công trình cổ xưa.
VIDEO: Phát lộ nhiều dấu tích quan trọng tại ngôi điện gần 220 tuổi trong Đại nội Huế (thực hiện: Ngọc Văn)
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với Trung tâm vừa thực hiện khai quật, khảo cổ di tích điện Cần Chánh (Đại nội Huế). Ảnh: Ngọc Văn
Điện Cần Chánh là một trong những công trình chính và quan trọng bậc nhất bên trong Đại nội Huế được xây dựng từ gần 220 năm trước. Ảnh tư liệu
Điện được xây dựng vào năm 1804 dưới thời vua Gia Long của triều Nguyễn, là nơi nhà vua tổ chức các buổi lễ thiết triều vào ngày 5,10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng. Ngoài ra, điện cũng là nơi vua tiếp các sứ bộ quan trọng, nơi tổ chức các buổi yến tiệc trong các dịp khánh hỷ. (Ảnh: Ngọc Văn)
Điện Cần Chánh được bố trí trên trục chính (đường Dũng đạo) của Đại nội Huế - nằm giữa điện Thái Hòa (nơi thiết triều chính) và điện Càn Thành (nơi ở của vua). (Ảnh tư liệu)
Theo các nguồn sử liệu, ngôi điện từng là nơi diễn ra lễ cưới lịch sử của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương vào năm 1934 - lễ cưới đầu tiên và duy nhất của một vị vua triều Nguyễn được tổ chức trong Hoàng cung. (Ảnh: Ngọc Văn)
Trong cuốn hồi ký của mình, vua Bảo Đại viết: "Lễ cưới được tổ chức ngay trong phòng tiếp tân của điện Cần Chánh. Cũng giống như lễ đăng quang, triều thần đứng sắp hàng dọc theo một tấm thảm đỏ và vàng dành riêng cho Hoàng đế. Lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình”. (Ảnh: Ngọc Văn)
Năm 1947, do chiến tranh, di tích điện Cần Chánh bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại phần nền móng. Theo các tư liệu, với diện tích rộng gần 1.000m2 trước khi bị phá hủy, điện Cần Chánh có kết cấu gồm chính điện có 5 gian và 2 chái kép, tiền điện có 7 gian và 2 chái đơn. Toàn bộ khung điện gồm 80 chiếc cột bằng gỗ lim. Phần lớn kết cấu gỗ đều được chạm trổ tinh xảo, công phu. (Ảnh: Ngọc Văn)
Điện đặt trên nền đài cao gần 1m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh. (Ảnh: Ngọc Văn)
Trước đó, vào năm 2021, HĐND tỉnh TT-Huế đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Cần Chánh”. Dự án có tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. (Ảnh: Ngọc Văn)
Trong tháng 7/2023, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khai quật, khảo cổ di tích ngôi điện. Hoạt động này nhằm tạo cơ sở nghiên cứu, xây dựng phương án tu bổ, phục hồi công trình di tích điện Cần Chánh theo nghị quyết đã được đề ra. (Ảnh: Ngọc Văn)
Hoạt động khai quật khảo cổ di tích điện Cần Chánh kéo dài hơn 1 tháng, với tổng diện tích các hố đào trên 200m2. (Ảnh: Ngọc Văn)
Công tác khai quật khảo cổ hiện cơ bản hoàn tất. Tiếp đến là hoạt động chỉnh lý, nghiên cứu, đến cuối tháng 8/2023 sẽ có những kết quả ban đầu. (Ảnh: Ngọc Văn)
Sau hơn 1 tháng, qua hoạt động đào khảo cổ, lực lượng tại hiện trường đã thu thập được nhiều mảnh sành sứ, gạch vồ. (Ảnh: Ngọc Văn)
Bên cạnh đó, tại các hố đào cũng xuất lộ các dấu tích nền móng của công trình di tích điện Cần Chánh. (Ảnh: Ngọc Văn)
Những tảng đá nền móng ngôi điện xuất lộ. (Ảnh: Ngọc Văn)
Một vị trí khai quật trên nền móng ngôi điện cổ. (Ảnh: Ngọc Văn)
Xuất lộ nhiều lớp vật chất phía dưới nền móng ngôi điện. (Ảnh: Ngọc Văn)
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đơn vị hiện tiếp tục tổng hợp các hình ảnh, tư liệu về điện Cần Chánh qua nhiều nguồn lưu trữ, trong đó có những bức ảnh của người Pháp đã chụp lại, nhằm phục vụ xây dựng hồ sơ khoa học, phương án tu bổ, phục hồi di tích quan trọng này trong thời gian tới. (Ảnh: Ngọc Văn)