Cán bộ y tế tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình và cân bằng giới tính khi sinh |
Ở Lâm Đồng, tổng số trẻ sinh ra trong 6 tháng đầu năm 2023 là 8.648 trẻ (trong đó có 4.420 bé trai và 4.228 bé gái), tỷ số giới tính 104 bé trai/100 bé gái.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn xảy ra ở một số xã. Chẳng hạn, ở huyện Đức Trọng, trung bình mỗi năm có 1/3 số xã mất cân bằng giới tính, đa phần là số trẻ nam cao hơn số trẻ nữ. Năm 2022, tỉ số giới tính 108,8 trẻ trai/100 trẻ gái và 6 tháng đầu năm 2023 có 112 trẻ trai /100 trẻ gái.
Theo già làng ở xã Đa Quyn (huyện Đức Trọng), nơi có hơn 80% dân số là người K’Ho và Chu Ru, nguyên nhân người dân thích sinh con trai là để làm những công việc nặng nhọc trong gia đình như đi rừng, làm rẫy, khiêng vác cà phê, sầu riêng...
Bác sĩ Ka Sum (từng công tác ở CDC Lâm Đồng) cho rằng, vấn đề định kiến giới đối với phụ nữ và trẻ em gái gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Hiện nhiều gia đình vẫn có sự phân biệt, đối xử bất bình đẳng. Con trai luôn có quyền nhiều hơn, được bênh vực hơn chị em gái, việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa chủ yếu do con gái làm.
Nhiều bậc cha mẹ mặc định, con trai phải hướng ngoại, học những nghề dành cho nam giới, còn con gái thì hướng nội, chỉ chọn những việc nhẹ nhàng phù hợp với thể chất… Vì thế, nhiều gia đình ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số thường ưu tiên đầu tư cho con trai đi học. Cách phân biệt đối xử này đã làm gia tăng tình trạng bỏ học sớm ở trẻ em gái.
Còn theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng, hiện nay, các ấn phẩm hướng dẫn việc lựa chọn giới tính thai nhi xuất hiện nhiều trên thị trường, cộng với mạng xã hội phát triển mạnh tạo điều kiện cho những người trong độ tuổi sinh đẻ tự tìm hiểu và áp dụng, từ đó đã góp phần gia tăng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh.
Một số xã ở Lâm Đồng có tỷ lệ trẻ em nam nhiều hơn trẻ em nữ |
Mặt khác, hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh, phương tiện chẩn đoán y khoa hiện đại xuất hiện ở nhiều phòng khám; trong khi đó, một số phòng chẩn đoán siêu âm chưa cam kết không tiết lộ giới tính thai nhi. Việc này dẫn đến chuyện đau lòng là có người bỏ thai khi biết giới tính là nữ.
Thực trạng trên gây ra hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh, dẫn đến thừa nam, thiếu nữ trong tương lai gần.
Đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới
Trước tình hình đó, khi triển khai công tác bình đẳng giới năm 2023 và chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, Sở Y tế Lâm Đồng xây dựng chiến dịch tuyên truyền rộng khắp. Mục đích là kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; đồng thời phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, vấn nạn xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Theo bà Huỳnh Thị Phương Duyên, Phó giám đốc Sở Y tế, chiến dịch truyền thông này nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức.
Ngành y tế đã phối hợp với các huyện, thành Đoàn lồng ghép công tác dân số và phát triển vào chương trình đào tạo, tập huấn công tác Đoàn Thanh niên; tư vấn lồng ghép nội dung về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó có các trường THPT dân tộc nội trú.
Cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại thôn, xóm, buôn, làng tổ chức các buổi tuyên truyền về dân số; nguyên nhân, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi...