Người 'truyền lửa' giữa đại ngàn

0:00 / 0:00
0:00
Gia Ya Loan giảng giải về tiếng Chu Ru
Gia Ya Loan giảng giải về tiếng Chu Ru
TP - Nói đến bầu nhiệt huyết, người ta thường nghĩ ngay đến giới trẻ. Thế nhưng, lạ thay, chúng tôi lại tìm thấy “lửa” ở một người tuổi đã xưa nay hiếm như già Jơlơng Ya Loan ở làng Hơma Glây (Lâm Đồng).

Lội qua nhiều cánh đồng lúa ở thôn K’Lót (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), chúng tôi mới đến được nhà của già Ya Loan. Hơn bốn mươi năm trước, khi bao nhiêu người khác rời bỏ rừng núi để tìm đến những nơi gần đường, gần chợ thì gia đình ông lại rời làng lên núi ở. Hai vợ chồng dựng căn nhà nhỏ rồi cặm cụi phát hoang, vỡ đất trồng lúa, bắp; nuôi lợn, gà...

“Cái bếp ở gian nhà chính luôn đỏ lửa, đúng như thói quen lâu đời của người bản địa Tây Nguyên, nhằm sưởi ấm những đêm giá lạnh và để mọi người trong gia đình, dòng họ quây quần trò chuyện, thổi khèn, đánh đồng la, múa tam ya - vũ điệu điêu luyện mang tính cộng đồng, hầu như người Chu Ru nào cũng biết và ưa thích”, già vừa nói vừa bỏ thêm củi vào lò lửa đỏ rực.

Thoạt nghe, có người tưởng rằng Ya Loan yếm thế phải đi ở ẩn. Thế nhưng, vài năm sau, nhiều người tâm phục khẩu phục với sự lựa chọn của ông. Các thành viên trong gia đình Ya Loan đều hạnh phúc vì được sống giữa thiên nhiên hoang dã, tận hưởng sự trong lành và giàu có của rừng. Dãy núi Pơtơu Gớp như bức thành vững chắc giúp gia đình ông an lành vượt qua giông bão.

Bà Ma Wy (vợ của già Ya Loan) kể rằng vùng này trước đây hoang vắng vô cùng. Lắm lúc mấy đứa bé ra vườn còn bị khỉ đánh đu trêu chọc. Lợn rừng tìm đến “trộm” khoai, sắn. Có đêm, cả nhà giật bắn cả người khi nghe tiếng gầm gừ của hổ từ bìa rừng vọng lại. Những thanh âm của rừng đã trở nên thân thuộc, gắn bó với các thành viên trong gia đình đến mức những hôm mưa to gió lớn, ai cũng lo thắt ruột khi nghe tiếng kêu yếu ớt của những con thú non. Có lẽ tổ của chúng bị ướt cả rồi! Vừa ra đời đã phải chịu cảnh ướt át, lạnh lẽo, thương quá!

Tấm gương bảo vệ rừng

Là một trong những người sống gần rừng nhất nên già Ya Loan chứng kiến nhiều vụ phá rừng trên địa bàn xã Tu Tra. Thủ phạm không chỉ là các hộ di cư tự do mà cả những người dân địa phương. Xót xa trước cảnh nhiều khu rừng bị vạt trọc khiến đồi núi xác xơ nên khi cơ quan chức năng có chủ trương giao rừng cho những hộ có uy tín quản lý, gia đình già Ya Loan đã nhận bảo vệ 40 ha rừng nguyên sinh.

“Già Ya Loan được biết đến như kho tư liệu sống về tộc người Chu Ru nên không chỉ các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa mà nhiều cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh tìm đến ông để tra cứu thông tin, học chữ, bổ sung kiến thức…’’

Nhà nghiên cứu Uông Thái Biểu

Người 'truyền lửa' giữa đại ngàn ảnh 1

Người Chu Ru uống rượu cần trong lễ hội

Già bảo mỗi khi bắt gặp mấy đứa vác cưa máy lẻn vào rừng hạ cây, mình giận run người, nhưng cố gắng kìm nén, giải thích cho họ hiểu rằng phá rừng là vi phạm pháp luật, có khi phải đi tù; mặt khác làm hỏng sinh kế của dân làng bởi rừng càng mất thì lũ càng lớn cuốn trôi trâu bò, lúa bắp và cả con người nữa. Nghe mình cảnh báo như thế, không ai cãi lại, nhưng một số người vẫn âm thầm vác cưa máy vào rừng triệt hạ cây cối. Mình kiên nhẫn thuyết phục: “Đừng phá rừng nữa, về làm vườn đi. Mình sẽ bày cho cách làm, thiếu cây giống, vật dụng để trồng tỉa thì mình cho mượn”.

“Mình tin rằng nếu có cuộc sống ổn định từ nghề làm vườn, nhiều người sẽ không nghĩ đến chuyện vác cưa vào rừng nữa”, già Ya Loan nói như đúc kết sau khi có nhiều người nghe theo lời khuyên của già, tu chí làm ăn, có cuộc sống đủ đầy. Nhiều cán bộ địa phương nhận xét trong buôn R’Lơm này, già Ya Loan là một trong những người tiên phong trong chuyển đổi cây trồng và hiện đại hóa cách làm nông để đạt giá trị kinh tế cao hơn trên một đơn vị diện tích.

Người 'truyền lửa' giữa đại ngàn ảnh 2

Già Jơlơng Ya Loan

Hơn hai thập niên trước, người Chu Ru ở Đơn Dương chỉ biết trồng lúa nước. Những khi hạn hán, nhiều vạt lúa chết khô, thiếu đói ngay cả khi chưa đến lúc giáp hạt. Già Ya Loan liền học hỏi người Kinh, thuê máy múc về đào cái hồ rộng mấy héc ta để nuôi cá và lấy nước tưới cho vườn nhà; đồng thời giúp đỡ các hộ lân cận.

Khi không còn nỗi lo thiếu nước, ông mạnh dạn trồng nhiều loại rau, quả chứ không độc canh cây lúa như trước nữa, nhờ vậy 7 ha đất của gia đình Ya Loan cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ya Loan xởi lởi chia sẻ kinh nghiệm, tận tình hỗ trợ nhiều người khác làm ăn, đổi đời ngoạn mục; trong đó có không ít trường hợp từng đối đầu với già trong “cuộc chiến” gian nan để giữ những khoảnh rừng hiếm hoi còn sót lại, nơi trú ngụ của các vị thần mà người Chu Ru kính vọng.

Biên soạn từ điển Churu - Việt

Anh Uông Thái Biểu, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên tâm sự mỗi khi tâm trạng bức bối vì bị quá tải trong công việc hay gặp nhiều chuyện phiền hà, anh lại rời Đà Lạt, tìm đến căn nhà gỗ đơn sơ của già Ya Loan, người mà nhiều cán bộ và người dân địa phương đều thừa nhận là nhà thông thái bậc nhất trong cộng đồng dân tộc Chu Ru. Nhiều lúc, chỉ để được cùng ông lội ruộng hoặc lên rẫy, thong thả ngắm núi, ngắm những làn khói đốt đồng thơm mùi rơm rạ. Hoặc là, ngồi dưới gốc xoài già để nghe già Ya Loan kể những câu chuyện xưa, nghe bà Ma Wy ngâm nga những điệu dân ca Churu trên nền nhạc cổ.

“Già Ya Loan tường lịch sử, văn hóa và căn tính của tộc người mình. Ông lý giải trong ngôn ngữ xưa, từ “chu ru” có nghĩa là “xâm đất”, “lẩn trốn”. Tổ tiên ông vốn là người miền biển. Một biến cố lớn trong lịch sử của thời kỳ nào đó của đế chế Chăm Pa đã khiến người Chu Ru rời bỏ vương quốc để tìm đến miền núi cao này nương náu. Có lẽ vậy mà người Chu Ru bây giờ vẫn nói được tiếng Chăm, giỏi dẫn thủy nhập điền làm ruộng nước, giỏi đánh cá, biết tìm đất sét tốt nung gốm, biết đúc nhẫn bạc, biết mang hàng hóa sản vật đi buôn bán khắp nơi. Những nghề đó, không phải là thế mạnh của nhiều tộc người bản địa Tây Nguyên”, anh Biểu chia sẻ.

Tổ tiên đã phải ly hương tìm vùng đất mới nên ông càng canh cánh nỗi lo thế hệ con cháu dần lãng quên phong tục tập quán và vốn văn hóa cổ truyền của tộc người Chu Ru. Từng là giáo viên nên già Ya Loan hiểu rõ thực trạng rơi rớt dần bản ngữ trong cộng đồng, trong khi ngôn ngữ là biểu hiện mạnh mẽ nhất của sức sống văn hóa của một dân tộc. Để bảo tồn tiếng Chu Ru, từ năm 2005, Ya Loan bắt đầu nghiên cứu và sắp xếp lại hệ thống ngôn ngữ của dân tộc mình, nhất là sưu tầm vốn từ cổ.

Già lặn lội đến từng buôn làng Chu Ru, kể cả những nơi xa xôi, hẻo lánh để nhờ bậc cao niên giải thích nghĩa của ngôn ngữ Churu cổ; hợp tác cùng một số nhân sĩ, già làng… hoàn thiện cuốn từ điển Chu Ru - Việt hơn 10.000 mục từ, trong đó ông còn chắt lọc đưa vào những câu ca dao, dân ca, truyện cổ, tên những vị thần, các loại nhạc cụ… Tìm kiếm vốn từ cổ đã khó, càng khó hơn khi chuyển từ tiếng Chu Ru sang nghĩa tiếng Việt sao cho thật sát nghĩa, nhưng già Ya Loan và các cộng sự đã thành công.

Mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng mỗi khi được mời giảng dạy tiếng Chu Ru cho cán bộ, viên chức và thanh thiếu niên ở địa phương thì dù phải vượt quãng đường hàng chục cây số, già Ya Loan vẫn nhận lời rồi kỳ công biên soạn những bộ sách, giáo án giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng. Tất cả các bộ tài liệu bao gồm đầy đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, rất dễ hiểu và dễ thực hành. Lồng ghép vào các buổi học cách phát âm, nhận dạng chữ viết, cấu trúc ngữ pháp là những câu chuyện hấp dẫn về văn hóa, phong tục tập quán của ông bà xưa.

Mọi người trìu mến gọi ông là “thầy Ya Loan”, từ những cháu bé 6-7 tuổi mà ông ân cần dắt tay vào lớp học vỡ lòng hay các cán bộ tham gia các khóa đào tạo nâng cao tiếng Chu Ru. Đến nay, nhiều khóa đào tạo mà già làng Ya Loan tham gia đứng lớp đã hoàn thành với hàng trăm cán bộ, công chức được phổ cập tiếng Chu Ru. “Thầy Ya Loan dạy rất dễ hiểu nên sau khi tốt nghiệp ai cũng nói trôi chảy, giao tiếp với người “mù” tiếng Kinh bằng ngôn ngữ Chu Ru”, một cán bộ huyện Đơn Dương nhận xét. Anh Tou Prong Luynh (35 tuổi, thôn R’Lơm, xã Tu Tra) thổ lộ: “Thầy đã giúp nhiều người Chu Ru hiểu thêm về ngôn ngữ của dân tộc mình. Trước nay, mình nói được tiếng Chu Ru nhưng không am hiểu về chữ viết, ngữ pháp; từ khi đến lớp nghe thầy giảng bài, mình đã đọc và viết được văn bản bằng tiếng mẹ đẻ”.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

TPO - Sáng 27/11, rất đông các bạn trẻ đồng bào Khmer là Phật tử tại TPHCM đã tề tựu về chùa Long Hoa Thiên Bảo (TP Thủ Đức) để tham gia đại lễ Kathina (hay còn gọi là lễ dâng y). Đây cũng là hoạt động báo hiệu kết thúc ba tháng mùa an cư kiết hạ của các chư tăng, chư ni Phật giáo.
Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

TPO - Nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú và cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 25 km là làng Thèn Pả. Du khách đến đây sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên yên bình với những nếp nhà trình tường lợp ngói âm dương, vách đất vàng nâu, hàng rào đá, ruộng ngô… và những người dân mến khách.
Lễ mừng thọ của người Mnông

Lễ mừng thọ của người Mnông

TPO - Người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Trong đó “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người Mnông huyện Lắk” là một trong 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Đắk Lắk.