Tầm nhìn tiến bộ
Tôi đến phố Hồng Mai (Hà Nội) gặp ông Lương Tiến, hậu duệ đời thứ tư của danh nhân Lương Văn Can. Bố ông Tiến là con trưởng nhà chí sĩ yêu nước Lương Ngọc Quyến, cháu nội danh nhân Lương Văn Can.
“Bố tôi là Lương Dân Nguyên. Khi ông nội Lương Ngọc Quyến lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên và bị Thực dân giết hại năm 1917, bố tôi còn nhỏ và sống với mẹ tại Nam Vang (Campuchia). Mẹ tôi sang Nam Vang để chăm sóc bố chồng, bởi trước đó cụ nội Lương Văn Can bị chính quyền Thực dân bắt lưu đày tại đây”- ông Lương Tiến cho biết.
Cuốn “Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn” xuất bản năm 2020 |
Ông Lương Tiến cho hay, danh nhân Lương Văn Can (1854-1927) xuất thân trong một gia đình nghèo, mấy đời mưu sinh bằng nghề nông tại xã Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội).
Ở tuổi thiếu niên, Lương Văn Can theo học chữ của các ông tú trong làng. Trong số thầy dạy có cụ Tú Liêm, người có những ảnh hưởng lớn tới nhân cách của Lương Văn Can. Cụ Tú Liêm sau đó tham gia chống Pháp, bị Thực dân giết hại rồi bêu đầu thị uy. Cậu học trò Lương Văn Can lúc đó đã đứng ra xin được mang thi thể thầy về mai táng. Nguyện vọng của Lương Văn Can được chính quyền chấp thuận.
Năm 1874, tròn hai mươi tuổi, Lương Văn Can tham dự kỳ thi hương và đỗ cử nhân. Năm sau, đến kỳ thi hội, ông chỉ vào được đến nhị trường thì dừng. Triều đình cử ông làm giáo thụ (một chức quan về giáo dục) ở phủ Hoài Đức, nhưng ông khước từ. Sau đó, người Pháp muốn Lương Văn Can vào Hội đồng Thành phố Hà Nội để làm việc, nhưng ông cũng từ chối.
Năm 1879, Lương Văn Can lập gia đình, vợ ông là con một gia đình kinh doanh. Lương Văn Can mở trường dạy học tại nhà, số 4 phố Hàng Đào (Hà Nội), với mục đích đào tạo những lớp tri thức trẻ có tâm, có tài cho đất nước.
Ngôi nhà số 4 phố Hàng Đào (ngoài cùng bên phải) và số 10 Hàng Đào (nhà màu trắng có 3 vòm cửa sổ) từng là nơi ở của danh nhân Lương Văn Can và địa điểm trường Đông Kinh Nghĩa Thục Ảnh: T.L |
Trong quá trình dạy học, cử nhân Lương Văn Can vẫn ấp ủ mở một trường học lớn hơn để mở mang dân trí, nâng tầm hiểu biết cho người dân. Ông đã bàn với các chí sĩ yêu nước thời đó và đi đến nhận định, khi dân trí cao, kinh tế, văn hóa cũng sẽ phát triển và người dân sẽ nhận ra trách nhiệm của mình với đất nước.
Tháng 3/1907, trường Đông Kinh Nghĩa Thục chính thức khai giảng, được đặt tại số 4 và số 10 phố Hàng Đào (một ngôi nhà khác của gia đình Lương Văn Can), và chủ nhân ngôi nhà được bầu làm thục trưởng (hiệu trưởng). Trường chủ trương không thu tiền học, nên kinh phí hoạt động khi đó nhờ sự đóng góp không nhỏ từ kinh doanh của gia đình cử nhân Lương Văn Can.
Cũng từ thực tế buôn bán của gia đình, Lương Văn Can nhận thấy sức mạnh, lợi ích của việc kinh doanh. Đó không chỉ dừng lại câu chuyện của một gia đình mà nhìn rộng ra là sự liên quan đến quốc gia, đất nước. Kinh tế có mạnh thì đất nước mới cường thịnh. Mà muốn kinh tế mạnh thì phải giao thương, buôn bán, mở rộng kinh doanh. Nhưng khi đó, đất nước ta vốn xuất phát từ nền văn hóa lúa nước, ngàn năm qua chỉ lấy nghề nông làm gốc với tư tưởng “dĩ nông vi bản”. Sau này, các sĩ tử chịu khó học hành để thi cử mong đỗ làm quan, nên “sĩ” đã được đề cao hơn.
Vì thế các thứ bậc trong xã hội đương thời được sắp xếp lại thành “sĩ, nông, công, thương”. “Thương” là làm ăn buôn bán, đứng cuối cùng, thậm chí có thời điểm bị rơi vào quan niệm là một thứ “mạt nghệ”, bị định danh là một “phường con buôn”.
Danh nhân Lương Văn Can |
Ngay từ thời điểm ấy, cử nhân Lương Văn Can đã nhận ra người Việt bị Pháp cai trị vì sự lạc hậu, yếu kém về kinh tế, dẫn đến bị đô hộ về chính trị, văn hóa.
Trên tờ “Thực nghiệp dân báo” thời đó, Lương Văn Can đã viết: “Đương thời buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong trường thương chiến. Văn minh càng tiến bộ buôn bán càng thịnh đạt, buôn bán thịnh thời trong nước giàu mạnh không biết đến đâu là cùng, buôn bán suy thời trong nước nghèo yếu không biết đâu mà kể.
Cứ xem cái trình độ buôn bán một nước nào cao hay thấp, rộng hay hẹp thời xét được dân nước ấy giàu hay nghèo, văn hay dã. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thế, ta há coi thường, xem thường được sao”.
Từ thực tiễn đến viết sách về kinh doanh
Ban đầu, trường Đông Kinh Nghĩa Thục được chính quyền Pháp cho phép hoạt động, nhưng về sau chúng nhận thấy đây có thể là một mối nguy đối với chế độ thuộc địa nên tháng 11/1907 buộc trường phải giải tán. Qua sự việc này, tuy không buộc tội được Lương Văn Can, nhưng chính quyền Thực dân luôn để mắt đến ông.
Năm 1913, nhân vụ ném lựu đạn tại khách sạn Hà Nội, nhà cầm quyền đã bắt giam cả trăm người, trong đó có Lương Văn Can. Ông bị kết án mười năm, lưu đày sang Nam Vang (tức Phnôm Pênh, Campuchia ngày nay). Ngày ấy, Nam Vang là trung tâm kinh tế, xã hội của đất nước Campuchia, một vùng đất cũng nằm dưới sự đô hộ của chính quyền Thực dân.
Khi bị quản thúc nơi đất khách quê người, Lương Văn Can nhận thấy đây là một thị trường có tiềm năng giao thương, nhưng hiện chưa được quan tâm khi hàng hóa khá đơn điệu và việc buôn bán chưa phát triển. Sau khi nắm được thị hiếu khách hàng và quy luật buôn bán tại đây, Lương Văn Can liên lạc với gia đình tại Hà Nội để tìm cách đưa hàng hóa sang Nam Vang tiêu thụ.
Để tiến hành mọi việc, cụ Lê Thị Lễ, vợ của Lương Văn Can đã cử con gái là Lương Thị Trí sang Nam Vang vừa để chăm sóc cha, vừa kinh doanh. Tại đây, con gái Lương Văn Can thuê nhà, đứng tên một cửa hiệu có tên Đại Thanh, chuyên buôn hàng từ Việt Nam sang.
Ông Lương Tiến cho biết, khi việc buôn bán phát triển thuận lợi, cụ Lương Văn Can còn hướng mở thêm một hiệu buôn Hưng Thạnh và giao cho con dâu là Nguyễn Thị Hồng Đính (vợ chí sĩ Lương Ngọc Quyến) mới sang Nam Vang quản lý. Đây là một cửa hiệu lớn, tầng dưới bán hàng, tầng trên đóng giày và làm mũ.
Trong hiệu buôn luôn có hơn chục công nhân là con cháu các chí sĩ Cần Vương do Nguyễn Thị Hồng Đính đưa sang. Từ việc mở mang buôn bán, gia đình cụ cử Lương Văn Can có thêm nguồn tài chính dồi dào, nhưng họ không giữ cho riêng mình mà đem trợ giúp các phong trào yêu nước trong nước.
Những phạm trù về đạo đức kinh doanh, triết lý kinh doanh và văn hóa doanh nhân được danh nhân Lương Văn Can dành nhiều tâm huyết trong tác phẩm của mình. Những cách ngôn về đức tính cần kiệm, cách tạo vốn, sử dụng vốn và phương thức kinh doanh được cử nhân Lương Văn Can lựa chọn và chú giải sâu sắc trong cuốn sách “Kim cổ cách ngôn”.
Cũng trong thời gian lưu đày ở Nam Vang, Lương Văn Can tiến hành viết hai cuốn sách “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học phương châm” nói về kinh doanh. Lật giở cuốn sách này, ông Lương Tiến cho biết “Kim cổ cách ngôn” là cuốn sách bàn về cách làm giàu để mong tìm ra một “đạo làm giàu” của người Việt Nam mà không bị cuốn vào cơn lốc làm giàu của xã hội ta thời thuộc địa.
Những phạm trù về đạo đức kinh doanh, triết lý kinh doanh và văn hóa doanh nhân được danh nhân Lương Văn Can dành nhiều tâm huyết trong tác phẩm của mình. Những cách ngôn về đức tính cần kiệm, cách tạo vốn, sử dụng vốn và phương thức kinh doanh được cử nhân Lương Văn Can lựa chọn và chú giải sâu sắc trong cuốn sách.
“Thương học phương châm” là quyển sách rất đáng chú ý bởi nó không chỉ hướng dẫn tỉ mỉ về nghề thương mại đối với sự phát triển kinh tế mà còn mổ xẻ tình trạng thương mại yếu kém của nước ta thời phong kiến. Sách có những đề mục như: Tựa, tư bản, tổ chức sự kiện, tính toán, sổ sách, thư từ, thương hiệu, thương tiêu, thương địa, thương điếm, bày hàng, quảng cáo, giao tế tiếp giản, điều lệ nhà băng… Lướt qua các đề mục này, có thể nói cách đây một thế kỷ, danh nhân Lương Văn Can đã chỉ ra các vấn đề mấu chốt của kinh doanh, mà ngày nay những vấn đề này đã trở nên thông dụng như tiếp thị, thương hiệu, kế toán, ngân hàng…
Triết lý kinh doanh của danh nhân Lương Văn Can
Ông Lương Tiến cho biết, thời gian này năm ngoái, tại TPHCM đã tổ chức “Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2020”, và ông được mời tham dự với tư cách là hậu duệ đời thứ 4 của danh nhân Lương Văn Can. Tại Tuần lễ này, những triết lý kinh doanh của danh nhân Lương Văn Can được đề cập trong “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học phương châm” được đề cao khi chúng vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Vì lẽ đó, hai cuốn sách này được xuất bản năm 2020 và năm 2021 lại được tái bản.
Nhớ lại thời điểm này một năm trước, khi gặp nhà sử học Dương Trung Quốc để hỏi về văn hóa doanh nhân, tôi đã được ông nhắc đến danh nhân Lương Văn Can với những đóng góp to lớn của ông đối với giới doanh nhân Việt Nam.
Trong “Kim cổ cách ngôn”, Lương Văn Can viết: “Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm. Giả dụ như người tích trữ gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa ích kỷ, độc ác. Lại có người chuyên mua thừa bán thiếu, làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham không cùng mà thôi. Xét kỹ ra, người giàu nghèo ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép thuật kinh doanh vậy”.
Ông Lương Tiến (bìa phải) chia sẻ câu chuyện về danh nhân Lương Văn Can tại “Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2020” |
Còn trong “Thương học phương châm”, danh nhân Lương Văn Can đã dẫn 10 hạn chế của đội ngũ thương nhân Việt Nam khiến thương mại của ta chưa phát triển được, đó là: “Người mình không có thương phẩm, không có thương hội, không có tín thực, không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao thiệp, không biết tiết kiệm, khinh hàng nội hóa”.
Chỉ ra những điểm yếu để khắc phục, trong “Thương học phương châm”, danh nhân Lương Văn Can cũng nhìn ra “cái không khí hoàn cầu đi lại như một nhà” để phát triển kinh doanh. Đến một thế kỷ sau, khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, thì mọi người thêm cảm phục những điều mà ông đã viết trong cuốn sách này: “Bây giờ phong khí mở rộng, hoàn cầu đi lại như một nhà, đường bộ thì có hỏa xa, đường thủy thì có hỏa thuyền, không trung thì có tàu bay, lại thêm điện báo để thông thư tín, điện thoại để thông âm ngữ, tin tức đã mau, vận tải rất tiện, người mà thông buôn bán thì làm giàu cũng dễ”.
Ông Lương Tiến cho biết, cách đây tròn một thế kỷ (năm 1921), sau 8 năm bị lưu đày biệt xứ, cử nhân Lương Văn Can được giảm án trước thời hạn và trở về quê hương. Khi ông về nước, những cửa hàng buôn bán tại Nam Vang vẫn được con cháu của Lương Văn Can duy trì trong những năm sau đó. Tại Hà Nội, cử nhân Lương Văn Can mở trường dạy học Ôn Như (đây là tên hiệu của Lương Văn Can) và chuyên tâm soạn sách.
Hai cuốn “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học phương châm” sau khi xuất bản được mọi người biết đến, được coi là cuốn sách giáo khoa đầu tiên viết về kinh doanh. Từ những nỗ lực cổ xúy cho phát triển thương mại của danh nhân Lương Văn Can, nghề buôn bán ở nước ta đầu thế kỷ XX đã có những chuyển biến tích cực. Một tầng lớp doanh nhân mới từng bước được hình thành và thành công, tiêu biểu ở miền Bắc như “vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi, “vua nghề sơn” Nguyễn Sơn Hà, còn ở miền Nam có “nhà công nghiệp” Trương Văn Bền…
Trong “Thương học phương châm”, danh nhân Lương Văn Can đã dẫn 10 hạn chế của đội ngũ thương nhân Việt Nam khiến thương mại của ta chưa phát triển được, đó là: “Người mình không có thương phẩm, không có thương hội, không có tín thực, không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao thiệp, không biết tiết kiệm, khinh hàng nội hóa”.