Nghệ sĩ hát bội háo hức trở lại sân khấu sau nhiều tháng nghỉ vì COVID-19 |
Ngay từ 7h sáng, các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM đã đến Lăng Ông Bà Chiểu trang điểm, tập duyệt lại các trích đoạn… kĩ càng để 9h lên sân khấu biểu diễn. |
Được trở lại với sân khấu, tất cả nghệ sĩ đều có mặt rất sớm để chuẩn bị hoá trang cho buổi diễn đầu tiên sau nhiều tháng phải tập online. |
Để có thể lên sân khấu biểu diễn, các nghệ sĩ phải mất hàng giờ đồng hồ cho việc hóa trang, tạo hình nhân vật thủ vai. |
Hóa trang mặt trong hát bội là một nghệ thuật thể hiện tính cách nhân vật của vở diễn. Vì vậy chỉ cần nhìn diễn viên với bộ mặt hóa trang cũng như trang phục thì dường như khán giả có thể biết nhân vật đó có tính cách như thế nào. |
Nghệ sĩ Bảo Châu đang hoá trang thành nhân vật Khương Linh Tá. |
Nghệ sĩ Minh Khương đang hoá trang thành nhân vật Tạ Ôn Đình, chia sẻ: “Hôm nay tôi diễn trong vở "Tạ Ôn Đình chém Tá'. Thời gian nghỉ dịch, anh em tập online và đi chống dịch. Hơn hai mươi năm trong nghề nên từng vai diễn đã ăn vào máu, hoá trang không thiếu một chi tiết nào trên mặt”. |
Nghệ sĩ Hoàng Hà chia sẻ: “Từng lời ca, điệu bộ nó ăn sâu vào máu, khó quên lắm. Bộ môn này cần sự thực hành đều đặn, từ vũ đạo, hoá trang, học thoại... văn ôn võ luyện mà”. |
Nghệ sĩ ưu tú Linh Hiền cũng không giấu được cảm xúc khi nói về buổi diễn đầu tiên sau thời gian giãn cách: “Nghỉ mấy tháng buồn lắm, tôi buồn cho anh chị nghệ sĩ. Nhưng cũng rất mừng vì mọi người an toàn vượt qua đại dịch, mừng hơn nữa là dịch được kiểm soát tốt. 42 năm trong nghề, chỉ cần năm phút nhắc lại là tôi có thể nhớ ngay. Hôm nay, tôi thủ vai vua Minh Mạng trong Lê Công kỳ án. Đây là vai tôi được huy chương vàng trong đợt hội diễn toàn quốc 2018 tại Quảng Ngãi”. |
Trong đoàn, các nghệ sĩ nâng đỡ và gắn kết với nhau như một gia đình lớn. Việc hỗ trợ nhau làm tóc, vẽ mặt như một hình thức thực hành nghề. |
Hoá trang xong, nghệ sĩ Hoàng Hà đang hướng dẫn cho diễn viên trẻ Ngọc Tâm cách vuốt lông chim trĩ từ trên mão kim quan. |
Diễn viên trẻ Ngọc Tâm vào nghề hơn một năm hào hứng kể: “Nghỉ dịch mấy tháng nhớ sân lắm. Giờ được trở lại gặp các cô chú, anh chị, em được tiếp tục với đam mê của mình. Hôm nay, em chỉ đảm nhiệm múa chào mừng nhưng được lên sân khấu là vui, là hạnh phúc. Những hôm tập tuồng phải mang khẩu trang, em chưa quen nên khá ngộp. Suốt mấy tháng giãn cách, em chọn ở lại thành phố để tập và tham gia chống dịch”. |
Sân khấu mở màn, nhiều du khách và khán giả tranh thủ quay lại các trích đoạn bằng điện thoại. |
"Tôi thích trận đấu của nhân vật Khương Linh Tá, một mình đấu với ba tướng võ. Lần đầu tiên tôi được xem hát bội ở một sân khấu ngoài trời và ban ngày như thế này. Xem trực tiếp thích hơn nhiều. Sắp tới đoàn diễn ở Thảo Cầm Viên nghe nói có vở mới, tôi sẽ dẫn con trai của mình vào xem. Các vở diễn vào dịp cuối tuần nên cũng tiện cho gia đình", anh Hoàng Dư Thanh, ngụ quận Phú Nhuận chia sẻ. |
Còn khán giả Nguyễn Văn Phú, ngụ quận 6 thì nêu suy nghĩ: "Tôi thích cách ban tổ chức chọn trích đoạn "Lê Công kỳ án" diễn ở đây. Đến lăng Tả quân Lê Văn Duyệt và được xem một trích đoạn để hiểu hơn về người anh hùng dân tộc. Sau khi xử chém Huỳnh Công Lý, tả quân Lê Văn Duyệt đã tự mình về triều chịu tội vì dám “vượt quyền vua” và đối chất cùng nhà vua, quần thần về lý tưởng của người làm quan, việc bài trừ tham nhũng, bảo vệ cuộc sống an lành cho người dân. Rất hay, rất thời sự". |
Một khán giả sau khi xem hết buổi biểu diễn đã hỏi mua hai chiếc mặt nạ nhân vật. |
Những ngày này, các nghệ sĩ cải lương, hát bội, kịch nói… đều cảm thấy khá vui khi được trở lại sân khấu tập luyện để chuẩn bị cho các vở diễn mới dịp cuối năm sau gần 5 tháng nghỉ làm ở nhà vì phòng dịch. |
Nữ nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Giàu chia sẻ: “Quay trở lại để làm việc, mọi người rất là vui. Mấy ngày đầu tập phải đeo khẩu trang để hát thật tình là rất ngộp, không đủ hơi để hát”. Theo nghệ sĩ Ngọc Giàu, khi nghe tin nhà hát mở cửa trở lại, nghệ sĩ, diễn viên, ai cũng phấn khởi bởi không phải tập luyện trực tuyến nữa. Vì khi tập trực tiếp, mọi người sẽ “ráp” cả vở tuồng nhanh hơn và làm quen trở lại với sân khấu tốt hơn, diễn nhập tâm hơn và vở diễn hay hơn, hấp dẫn khán giả hơn... |
Sân khấu "chạy nước rút" sau nhiều tháng "giậm chân tại chỗ"
Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Quyền Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM cho biết, hiện nay nhà hát có hơn 30 diễn viên để tập luyện cho các vở diễn chuẩn bị biểu diễn trở lại.
Việc Thành phố cho phép các nghệ sĩ được trở lại với công việc tập luyện trực tiếp trên sân khấu đã khiến các ai nấy đều cảm thấy rất vui vì nghệ thuật hát bội phải được đứng trên sân khấu biểu diễn, được hóa trang trực tiếp… khi đó người nghệ sĩ mới thấy mình được "sống" trở lại với nghề sau 5 tháng nghỉ ở nhà phòng dịch.
Còn ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết, dù đến nay vẫn chưa thể xác định được lịch diễn trở lại vào ngày nào nhưng thời gian này, các diễn viên đều tập trung hoàn thành kế hoạch trong năm, triển khai tập luyện các vở diễn trong điều kiện cho phép, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày trở lại khi nghệ sĩ và khán giả đều có cảm giác thật an toàn với dịch bệnh.
"Để đảm bảo quy định phòng dịch, nhà hát cũng đã chủ động triển khai nghiêm ngặt các quy trình phòng, chống dịch. Cụ thể, người đến nhà hát phải tiêm đủ 2 liều vaccine, cập nhật danh sách ra vào nhà hát hàng ngày (ê-kíp các vở diễn với đầy đủ diễn viên, nhạc công, vũ đoàn, quân sĩ, người làm phục trang…), khai báo y tế điện tử và đo thân nhiệt từ cổng vào, tập tuồng hay chạy vở đều phải đeo khẩu trang, thậm chí tính đến cả phương án thực hiện test nhanh cho diễn viên khi chạy vở diễn mới", ông Phan Quốc Kiệt nói.
"Ông bầu" Lê Nguyên Đạt của Sân khấu Sen Việt cho biết, hiện anh cũng đang cho khởi động lại các dự án dang dở cũng như bắt tay vào các dự án mới trải dài sang năm 2022.
“Gần đây, tất cả diễn viên của sân khấu đang hăng say tập luyện trở lại để biểu diễn lại vào cuối tháng 11. Dự kiến, thời gian đầu khoảng 30 khách/suất diễn và “tùy theo tình hình” mà dần mở rộng lên 50 khách/suất", đạo diễn Lê Nguyên Đạt nói.
Theo đạo diễn Lê Nguyên Đạt, ngoài việc tái diễn các kịch bản sẵn có, sân khấu sẽ trình làng phiên bản mới của vở cải lương thể nghiệm “Nhật thực”.
Đây là vở diễn dự kiến sẽ tham gia Liên hoan Sân khấu châu Á tại Hàn Quốc vào tháng 5/2022. Sân khấu Sen Việt cũng lên kế hoạch cho chương trình Tết 2022 bằng vở ca múa nhạc kịch dân gian với nòng cốt là các diễn viên trẻ.
Tương tự, các nghệ sĩ trong Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ cũng đã tập luyện hăng say để có thể đưa vở cải lương “Lưu Bị cầu hôn giang tả” tái ngộ khán giả trong thời gian sớm nhất.
Vở chỉ diễn được 1 suất nhằm đánh dấu sự “hồi sinh” của bảng hiệu Minh Tơ lừng lẫy một thời sau gần 30 năm vắng bóng đã phải ngừng diễn vì đợt bùng dịch thứ 4.
Ngoài ra, đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ cũng đang tiếp tục dàn dựng một kịch bản gắn liền với thương hiệu Minh Tơ là “Tô Hiến Thành xử án”… Hiện các nghệ sĩ trong đoàn đang háo hức, hăng say tập luyện để ra mắt khán giả sớm nhất.