Người hồi sinh lụa vàng ở Campuchia

0:00 / 0:00
0:00
Bà Sophea Pheach (giữa) cùng các nhân viên trang trại
Bà Sophea Pheach (giữa) cùng các nhân viên trang trại
TP - Những sợi lụa vàng đã đan xen vào lịch sử Campuchia trong nhiều thế kỷ, và bà Sophea Pheach đang giúp đảm bảo rằng nó vẫn tiếp tục dệt nên tương lai của đất nước.

Một đoạn lái xe ngắn từ thành phố cổ Angkor sẽ đưa bạn dọc theo “Con đường tơ lụa” xưa cũ của Campuchia. Nó len lỏi qua những ngôi làng đồng quê, những cánh đồng lúa xanh tươi, và cuối cùng đến nơi từng là trung tâm của nghề nuôi tằm lấy tơ và ngành dệt của đất nước.

Dệt Ikat - một kỹ thuật tạo hoa văn bằng cách quấn các đoạn sợi trước khi nhuộm - từ loại lụa vàng độc đáo của Campuchia đã có từ hơn một nghìn năm trước vào thời Đế chế Khmer. Kỹ thuật làm lụa, chuyên để tạo vải cho hoàng gia Campuchia, đã được truyền từ mẹ sang con gái từ thế kỷ IX đến XV. Tuy nhiên, như rất nhiều nghề thủ công truyền thống khác, nghề kéo sợi và dệt vải này gần như đã bị thất truyền dưới chế độ Khmer Đỏ tàn bạo vào những năm 1970. Tuy nhiên, việc hồi sinh lại những khía cạnh quan trọng này của văn hóa Campuchia hiện đang được thực hiện bởi những cá nhân truyền cảm hứng như thợ làm lụa Sophea Pheach.

Người hồi sinh lụa vàng ở Campuchia ảnh 1

Quy trình kéo sợi tơ từ những cái kén

Là con gái của một nhà ngoại giao, bà Pheach thoát khỏi thực tế khắc nghiệt của chế độ Khmer Đỏ khi bà đến sống cùng gia đình ruột thịt ở Paris. Lớn lên, bà đến làm việc trong các trại tị nạn dành cho người Campuchia ở Thái Lan, và cuối cùng trở về Campuchia sau khi Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết vào năm 1991. Cuộc hành trình trở về nhà đã dẫn đến việc bà thành lập Golden Silk Pheach vào năm 2002, một dự án nhằm đem nghệ thuật dệt lụa quay trở lại, cũng như giúp đỡ nhiều mảnh đời gặp khó khăn sau chiến tranh.

“Chúng tôi đã mất tất cả những người thân của mình trong chiến tranh, tất cả những người đã gắn kết chúng tôi với quê nhà, và tôi không muốn điều mà tôi đã đánh mất sâu trong bản thân mình lại bị lạc mất một lần nữa trong lịch sử Campuchia”, bà Pheach nói. “Chúng tôi có một sự đa dạng sinh học đặc biệt giúp tạo ra loại lụa vàng quý hiếm và độc đáo này. Khi trở lại đây, tôi muốn bảo vệ sự đa dạng sinh học ấy và giữ cho truyền thống dệt vải tiếp tục tồn tại”.

Tơ vàng của Campuchia được quay từ kén của những con tằm vàng, chứ không phải là những con trắng phổ biến vòng quanh thế giới, bởi chúng đã thích nghi với khí hậu ấm áp của miền bắc Campuchia và ăn nhiều loại dâu tằm bản địa. “Tôi bắt đầu nghiên cứu các kỹ thuật dệt tinh xảo thuộc thời kỳ hoàng kim của Angkor”, bà Pheach cho biết. “Tôi đã kiểm tra mọi tư liệu tôi có thể tìm thấy, từ những hình chạm khắc trong đền thờ đến những mẫu vải từ thế kỷ 17 trong Bảo tàng Quốc gia ở Phnom Penh. Phải mất hơn 10 năm và rất nhiều thử nghiệm để tìm ra những kỹ thuật dệt lụa bị lãng quên này”.

Trong một tòa nhà một tầng thoáng mát ở trang trại Golden Silk Pheach, ba người phụ nữ Campuchia ăn mặc thanh lịch chuẩn bị gỡ tơ ra khỏi kén. Họ cẩn thận móc những sợi tơ đầu tiên từ cái kén, trước khi lấy chúng ra bằng cách kéo sợi tơ thô bên ngoài, rồi sau đó là tơ mịn bên trong. Một khi họ lấy đủ những sợi lụa vàng rực rỡ, chúng sẽ được phân loại, rửa sạch và kéo thành sợi chỉ. Trong khu vực dệt của trang trại, sợi chỉ được xếp trên một khung gỗ lớn, và quá trình dệt bắt đầu một cách chậm rãi và tỉ mỉ.

“Có thể mất đến ba năm để làm một mảnh vải Ikat”, bà Pheach giải thích trong khi những người phụ nữ quấn các đoạn chỉ mô phỏng lại hoa văn được vẽ trên giấy từ trước. Những sợi dây buộc này sẽ được gỡ bỏ sau khi lụa được nhuộm, và màu vàng ròng sẽ hiện lên một cách kì diệu ngay khi chúng được dệt vào vải. Công việc đòi hỏi độ chính xác và tỉ mẩn rất cao, và giống như mọi thứ khác tại Golden Silk, nó chỉ có thể được thực hiện bằng tay. Quá trình kỳ công được phản ánh trong giá của các sản phẩm: từ 3,000 USD (68 triệu VND) cho một chiếc khăn choàng, đến 50,000 USD (1,1 tỷ VND) cho một tấm thảm treo tường lớn.

Tuy nhiên, thành quả cuối cùng chỉ là một nửa câu chuyện. Golden Silk không chỉ sản xuất và dệt lụa, mà còn tạo công ăn việc làm cho những người có cuộc sống bị tàn phá bởi cuộc xung đột. Hiện có hơn 100 nhân viên làm việc trên trang trại, nhiều người trong số họ là trẻ mồ côi không nhà cửa, không gia đình và không có kế sinh nhai. Giờ đây, họ có công việc ổn định và có địa vị trong xã hội nhờ bà Pheach, người họ âu yếm gọi là “mẹ”.

Bà Pheach cho biết mục đích của bà với Golden Silk là ngoài tạo ra một thế hệ các nhà sản xuất vải mới, nối tiếp truyền thống nghìn năm của đất nước, bà còn muốn góp phần giúp khôi phục một góc xã hội sau chiến tranh. “Khi tập hợp các sợi dọc và sợi ngang trên khung dệt, bạn sẽ tạo ra một bức tranh toàn cảnh lớn hơn, và đó là điều chúng tôi muốn hướng đến ở đây”, bà nói.

Người hồi sinh lụa vàng ở Campuchia ảnh 2
Sợi chỉ vàng kéo từ tơ tằm
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.