Sư tử mèo là điệu múa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở phía Bắc. Điệu múa này vừa thể hiện tinh thần thượng võ của người miền núi, vừa biểu tượng cho may mắn, hạnh phúc. Các dịp lễ hội, ngày trọng đại của người Tày, Nùng không thể thiếu màn múa sư tử mèo. |
Khi di cư vào Tây Nguyên lập nghiệp, họ vẫn gìn giữ phong tục, truyền thống, trong đó có điệu múa sư tử mèo. Trong lần xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) được công nhận xã nông thôn mới, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng điệu múa sư tử mèo sôi động, hấp dẫn. |
Người múa sư tử mèo là những thanh niên khỏe mạnh, có thể thực hiện các động tác nhào lộn, nhảy cao, xuống thấp, xoay vòng theo nhịp trống chiêng, chũm chọe. Trước ngày biểu diễn, thanh niên lại rủ nhau tập luyện. Người biết múa chỉ người chưa biết, cứ thế hầu hết thanh niên Tày, Nùng và cả em nhỏ đều biết múa điệu sư tử mèo. |
Không chỉ ấn tượng với điệu múa khỏe khoắn, uyển chuyển mà còn thích thú với “ngoại hình” lạ mắt của "các chú sư tử mèo". |
Khuôn mặt sư tử mèo được làm bằng đất sét mịn. Khi nặn mặt xong, phần đất dư phải đem bỏ ở nơi hẻo lánh, không để bất kỳ ai bước ngang đầu sư tử vì như vậy sẽ mất thiêng. Mặt sư tử mèo được nung qua lửa, phơi nắng đủ độ rồi dùng sơn trang trí. |
Đầu sư tử hoàn chỉnh có hình tròn giống chiếc nón vành rộng, có mắt mũi to, mồm rộng, tai nhỏ, có râu, lông mày, có 3 chiếc sừng, lưỡi và râu. Thân sư tử được may bằng nhiều lớp vải đen - xanh - đỏ - tím - vàng xen kẽ nhau dài từ 1,5 - 2 m. Mỗi con sư tử có khuôn mặt, sắc thái riêng, không con nào giống nhau. |