Linh thiêng tháp cổ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tháp cổ ngàn năm huyền bí bởi những câu chuyện tâm linh gắn liền với cuộc sống người dân bản địa. Yên Hòa bình an giữa núi rừng xanh thẳm, điệu múa xòe của cô gái Thái miền Tây xứ Nghệ gợi nhớ gợi thương cho khách viễn xứ.
Linh thiêng tháp cổ ảnh 1

Tháp cổ ngàn năm và cây bồ đề cổ thụ ở bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An

Dưới cơn mưa lất phất kèm theo se lạnh của tiết trời mùa thu, chúng tôi đi về bản Yên Hòa, xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Xuất phát từ thị trấn Mường Xén theo quốc lộ 16 uốn lượn bên sườn núi, chúng tôi đến Huồi Tụ, tiếp tục đi 20km nữa chạm đất Mỹ Lý. Dù đã đến chốn thâm sơn nhiều lần nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng về phong cảnh hữu tình của vùng biên ải. San sát núi, liên tiếp khe suối, mờ ảo, sương mù...

Huyền bí tháp cổ ngàn năm

Dừng xe ở khu dân cư, chúng tôi cùng cán bộ Phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn được hai cán bộ trẻ của xã Mỹ Lý dẫn xuống bến sông. Con thuyền độc mộc gắn máy neo đậu bên bờ là phương tiện để mọi người ngược sông Nậm Nơn lên bản Yên Hòa... Vượt qua nhiều ghềnh đá nhấp nhô của con thác, loáng cái bản Yên Hòa đã trong tầm mắt. Thấp thoáng giữa những hàng cây xanh và mái nhà sàn rêu phong, tháp cổ hiện ra mờ ảo, huyền bí. “Đó chính là ngọn tháp cổ được xây dựng hơn một ngàn năm trước, cũng là điểm du lịch tâm linh mà huyện sẽ hướng tới khi làm du lịch cộng đồng ở bản Yên Hòa”, ông Phan Văn Mạnh, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn, nói. Theo ông Mạnh, tháp có nhiều tượng phật bằng đồng được xếp xung quanh và 11 tượng phật bằng đồng khác được giấu phía trong tòa tháp. Trên đỉnh ngự một viên xá lợi màu xanh da trời hay còn gọi là “mắt ngọc”. Nhưng giờ đây, tháp phủ rêu phong lẫn bụi bặm thời gian, nguy cơ đổ sập. Trước đây, Mỹ Lý có 3 tháp cổ nhưng đã sụp đổ vì không được bảo tồn, giữ gìn.

Linh thiêng tháp cổ ảnh 2

Phụ nữ Thái dệt thổ cẩm dưới nhà sàn

Thuyền cập bến, chúng tôi tới gần chân tháp. Tọa lạc trên nền đất rộng, công trình có chiều cao khoảng 30m, kiến trúc mang đậm phong cách Phật giáo, có sự kết hợp hài hoà giữa uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã. Các hoa văn được thiết kế cầu kỳ, tinh xảo nhưng tiếc thay đã bị bong tróc, đứt đoạn. Xung quanh thân tháp, các tượng phật đầu đội mũ, hai tay chắp trước ngực, thần thái khoan thai không dính bụi trần. Kết cấu được xây bằng gạch đất nung, liên kết bằng vữa vôi. Tháp đã bị hổng nhiều chỗ do gạch xây bị con người đập phá, hoặc rơi vỡ theo thời gian.

Tháp cổ hay còn gọi là tháp chùa ở bản Yên Hòa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII. Theo người dân bản địa, nơi đây từng là một ngôi chùa nhỏ, có nhiều vị sư thờ tự và truyền bá đạo Phật.

Đứng dưới tán cây bồ đề cổ thụ cách vài chục mét, già làng Kha Văn Thảo (91 tuổi, trú tại bản Yên Hòa) nói: “Kẻ phá hoại tháp và trộm tượng phật đều bị quả báo hết”. Lúc già làng còn nhỏ, vào buổi tối nhìn lên tháp sẽ thấy “mắt ngọc” chiếu ánh sáng lấp lánh. Nhưng rồi một người ở xuôi lên Mỹ Lý công tác đã dùng súng AK bắn vỡ “mắt ngọc”, sau đó ông này bị mù, cụ Thảo kể.

Nhìn về phía thân tháp, cụ Thảo tiếp chuyện, năm 1986, tháp hư hỏng nặng, nguy cơ đổ sập cũng một phần do kẻ xấu trộm tượng phật. Nơi nào có hoa văn là nơi chúng đục thủng tìm cổ vật, từ chân tháp lên đỉnh có đến hơn 20 lỗ. Chắp tay cúi đầu khấn lạy những tượng phật còn sót lại được đặt trên bàn thờ dưới gốc bồ đề, cụ Thảo nhắm mắt như nghiền ngẫm, như hồi tưởng chuyện xưa. “Đây là tượng phật do một người đàn ông ở huyện Đô Lương lên Mỹ Lý công tác sinh lòng tham trộm tượng. Nhưng khi đưa về dưới xuôi thì gia đình ông này liên tiếp gặp nạn nên nhờ người mang lên trả lại”, cụ Thảo kể.

Theo bậc cao niên ở bản Yên Hòa, cây bồ đề cạnh tháp đã hàng trăm năm tuổi nhưng đây chỉ là cây con. Cây mẹ đã chết từ trăm năm trước, cây con lớn lên bao phủ, che chắn gió táp mưa sa để tháp trường tồn. Dưới tán bồ đề, vào ngày rằm hay mồng một hằng tháng, người dân bản Yên Hòa và các bản khác trong vùng thường mang lễ vật, hương nhang, đèn nến đến cầu bình an, may mắn, mưa thuận gió hòa. Tháp cổ trở thành điểm tựa tâm linh của người dân miền sơn cước.

Như đóa hoa rừng

Giữa núi rừng điệp trùng hùng vĩ, Yên Hòa nằm trên nền địa chất cổ xưa bậc nhất Việt Nam, của khối nâng Pù Hoạt có tuổi trên 600 triệu năm. Dẫn chúng tôi vào bản, anh Lô Văn Kiến, cán bộ văn hóa UBND xã Mỹ Lý, cho biết, sắp tới bản Yên Hòa sẽ được xây dựng thành khu du lịch cộng đồng. Ngày trước, bản Yên Hòa có tên là Xốp Lợt, nghĩa là suối có nhiều cây lá tốt. Giá trị truyền thống của người Thái tại bản Yên Hòa được bảo tồn khá tốt, thể hiện qua những nét đặc trưng như kiến trúc, trang phục, ẩm thực, văn hóa, nghề dệt thổ cẩm...

Thoáng nhìn về bản là nhà sàn san sát, cấu trúc thường từ 3 đến 5 gian, trên sàn được bố trí gian khách, buồng ngủ, bếp. Dưới căn nhà là chỗ để nông cụ, khung dệt và cũng là sân chơi cho trẻ con. Thấy khách vào bản, chị Vi Thị Dần, Chi hội trưởng phụ nữ bản Yên Hòa, dẫn chị em ra chào đón. “Nhăng Xửn Bỏ - Xin chào!”, chị Dần mỉm cười thân thiện, niềm nở. Vận bộ trang phục truyền thống lộng lẫy với áo cóm có hàng cúc bạc chạy dọc từ cổ xuống hông, những người con gái Thái đẹp như đóa hoa rừng.

“Người dân bản Yên Hòa rất hiếu khách, mỗi khi có khách quý tới thăm, ngoài mặc bộ đồ đẹp nhất thì ẩm thực sẽ “níu chân người”. Nguyên liệu trong bữa ăn là những sản vật từ núi rừng, thậm chí công cụ nấu ăn là lá chuối, tre… Trên mâm ăn truyền thống người Thái chia thành 5 phần, đồ chấm, đồ uống, đồ ghém, thức ăn, cơm hoặc xôi. Món cá nướng, “pá pình tộp” nghĩa là cá gập nướng, luôn lưu lại trong ký ức của du khách những ấn tượng khó quên với hương thơm gia vị núi rừng được tẩm ướp ngay trong bụng cá”, bà Cụt Thị Hương, Phó phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn, hào hứng chia sẻ.

Chuyến đi của chúng tôi ý nghĩa hơn khi những cô sơn nữ bình thường lấm lem bùn đất trên đồng ruộng bỗng rực rỡ, bay bổng trong điệu múa mang âm hưởng tình yêu lứa đôi. Điệu múa xòe cuốn hút người xem vào bước chân nhịp nhàng, bàn tay uyển chuyển, quên đi những mệt nhọc thường ngày... Dưới chân nhà sàn, chị Kha Thị Lanh miệt mài bên khung dệt thổ cẩm. Để dệt được một tấm thổ cẩm đẹp đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẩn, từ khâu vỡ đất trồng bông, trồng dâu tới se chỉ, thêu dệt nên những đường nét hoa văn…

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

TPO - Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống vừa được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) ký ban hành với mục đích đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh, đồng thời bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn.
Điểm cầu tỉnh Cao bằng tham gia họp trực tuyến.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn

TPO - Sáng 23/11, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội nghị trực tuyến làm việc với lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của 2 tỉnh trong quá trình thực hiện.