Lấy chồng xứ Định không lo chiếu nằm
TPO - Hình thành, phát triển và tồn tại hơn 100 năm qua, làng nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
|
Làng chiếu Định Yên nổi tiếng ở vùng ĐBSCL đến độ đi vào câu ví von: “Định Yên có vựa chiếu to/Lấy chồng xứ Định không lo chiếu nằm”. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề dệt chiếu ở Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và đã tồn tại trăm năm. Được biết, hiện nay, làng chiếu Định Yên có trên 800 hộ làm nghề dệt chiếu. |
|
Trung bình mỗi năm, làng chiếu Định Yên sản xuất hàng triệu chiếc chiếu các loại như chiếu vảy ốc, chiếu bông, chiếu con cờ, chiếu trắng, chiếu cổ… tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM và xuất khẩu sang Campuchia. |
|
Quá trình dệt chiếu được người dân Đồng Tháp tái hiện tại Hà Nội. Để hoàn thành một chiếc chiếu, người thợ phải làm rất nhiều công đoạn. Trong đó công đoạn đầu tiên là chọn lác-nguyên liệu chính. Nghệ nhân dệt chiếu chia sẻ, để có một chiếc chiếu đẹp và bền thì trước tiên phải chọn nguyên liệu là cây lác thật già, sau đó chọn lựa chiều dài của lác phù hợp với khổ chiếu cần dệt. |
|
Những sợi lác mang đi phơi nắng từ 30 phút đến một tiếng trước khi nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng… . Để màu nhuộm chính xác, khó phai thì phải nấu phẩm màu lên, nhúng từng chùm lác nhỏ vào, tùy theo độ đậm nhạt mà có thể nhúng 2-3 lần trở lên. Sau đó, lác tiếp tục được mang phơi nắng thêm một buổi rồi mới mang vào dệt. |
|
Lác dệt chiếu cần phải chọn lựa kỹ càng. Từng sợi suôn dài đều nhau, không quá to và cũng không quá nhuyễn. Sợi sáng màu thì đem dệt chiếu trắng, còn lại sẽ mang đi nhuộm. Đây là công đoạn đòi hỏi độ lành nghề. Người thợ phải lựa bằng giác quan và kinh nghiệm chứ không dựa trên bảng màu sẵn có. |
|
Khi dệt chiếu cần 2 người cùng làm, phối hợp ăn ý. Trung bình 2 tiếng có thể dệt xong một chiếc chiếu khổ lớn. |
|
Chiếc chiếu thành hình dưới bàn tay của người thợ lành nghề. |
|
Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau. |
|
Chiếc chiếu vừa khít, đều và có độ bền hay không phụ thuộc rất lớn vào tay nghề người thợ. |
|
Khi dệt xong, người thợ mang chiếu đi cắt bìa, may vải và phơi nắng. Trong các loại chiếu thì chiếu hoa và chiếu vảy ốc là khó dệt nhất bởi nó đòi hỏi sự phân bố, bắt chữ sao cho đẹp và tinh xảo. |
|
Bà Dinh (thôn Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ đã theo nghề làm dệt chiếu từ lúc 10 tuổi cho đến nay. Trong gia đình bà, nghề dệt chiếu đã được truyền 3-4 đời: "Nghề dệt chiếu cũng là thu nhập chính của gia đình, mặc dù thu nhập một ngày chỉ 150.000-200.000 đồng, nhưng ai nấy trong nhà đều vui vẻ theo nghề truyền thống này". |
|
Mặc dù công nghệ làm máy đã được đưa vào tuy nhiên gia đình vẫn duy trì làm thủ công, bà Dinh cho biết, sản phẩm từ máy sẽ có giá thành cao gấp 3 lần so với làm thủ công và không thể đẹp mắt, đa dạng bằng những sản phẩm thủ công. |
|
"Làm thủ công sẽ luyện cho đôi tay mềm mại và gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình, giữ gìn nghề của ông bà", bà Dinh nói thêm. |
|
Chiếu Định Yên gồm có các loại chiếu trắng, chiếu in hình hoa văn, chiếu con cò, chiếu cưới trang trí lộng lẫy. Sản phẩm chiếu đủ loại, đa dạng về màu sắc, hoa văn; từ chiếu trắng thường đến chiếu bông (vảy ốc, trà niên, con cờ…) với giá cả phải chăng, phù hợp với mọi đối tượng tiêu dùng. |
|
Ngoài các sản phẩm chiếu, túi xách, giỏ, những vật dụng gia đình... cũng được những nghệ nhân tạo ra một cách độc đáo từ việc dệt thủ công |
|
Nghề dệt chiếu tạo ra nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, giải quyết việc làm, giúp ổn định về mặt kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của bà con nông thôn. Tuy thăng trầm, vất vả nhưng người dân Định Yên với nghề cha truyền con nối vẫn một lòng nuôi dưỡng, theo đuổi để nghề dệt chiếu. |
Duy Phạm