Lần đầu tiên Quốc hội có đại diện hai dân tộc thiểu số rất ít người

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số đạt cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên có thêm đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người (dân tộc Lự và Brâu) trong Quốc hội.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã thông qua Nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội Khóa XV đối với 499 người có tên trong danh sách chính thức người trúng cử được công bố hôm 10/6.

Theo đó, Quốc hội Khóa XV có 194 đại biểu do các cơ quan, tổ chức Trung ương giới thiệu; 301 đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu; 4 đại biểu tự ứng cử; số đại biểu dự kiến hoạt động chuyên trách tại Trung ương là 126 người, số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương là 67 người.

Lần đầu tiên Quốc hội có đại diện hai dân tộc thiểu số rất ít người ảnh 1

Tại phiên họp thứ 8 vừa qua, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu của 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Về cơ cấu kết hợp, đại biểu là phụ nữ có 151 người, đạt tỷ lệ 30,26%; đại biểu là người dân tộc thiểu số có 89 người, đạt tỷ lệ 17,84%; đại biểu trẻ dưới 40 tuổi có 47 người đạt tỷ lệ 9,42%; đại biểu là người ngoài Đảng có 14 người, đạt tỷ lệ 2,81%; đại biểu Khóa XIV tái cứ hoặc đã từng là đại biểu Quốc hội các khóa trước có 203 người, đạt tỷ lệ 40,68%; đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội có 296 người, đạt tỷ lệ 59,32%.

Về trình độ chuyên môn: trên đại học có 392 người, đạt tỷ lệ 78,55%, trong đó, tiến sỹ có 144 người, thạc sỹ có 248 người, đại học có 106 người; dưới đại học có 1 người. Học hàm Giáo sư có 12 người, Phó Giáo sư có 20 người.

Với kết quả nêu trên, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội Khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách.

Tuy tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách chưa đạt 40% so với quy định nhưng lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội.

Các cơ cấu kết hợp như tỷ lệ nữ đại biểu, trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đề ra.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số đạt 17,84%, cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên, nước ta có thêm đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người (dân tộc Lự và Brâu) trong Quốc hội.

Cụ thể là đại biểu Quốc hội khoá XV Tao Văn Giót, Bí thư Đoàn TNCS HCM huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; Sinh năm 1990, trình độ Đại học chuyên ngành trồng trọt. Đại biểu Tao Văn Giót là người dân tộc Lự, quê quán tỉnh Lai Châu.

Người thứ hai là nữ đại biểu Nàng Xô Vi, Giáo viên Trường phổ thông dân tộc nội trú tại huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum. Sinh năm 1996, đại biểu Nàng Xô Vi là người dân tộc Brâu, quê ở Kon Tum, có trình độ chuyên môn Đại học chuyên ngành sư phạm địa lý.

Trong danh sách 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV có 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số, thuộc các dân tộc: Tày, Thái, Mông, Mường, Khmer, Chăm, Ê đê, Khơ mú, Nùng, Giáy, Sán Dìu, Thổ, Xơ Đăng, Brâu, Sán Chay (Cao Lan), Lự, La Chí, Vân Kiều, Lào, Hoa, Cơ Ho…

Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/7 và dự kiến bế mạc vào sáng 3/8. Toàn bộ 499 đại biểu Quốc hội khoá XV sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Hà Nội.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi

TPO - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản số 4891/BGDĐT-GDDT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục dân tộc. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường lớp ở vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Nhiều hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới có hiệu quả tại Đồng Nai

Nhiều hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới có hiệu quả tại Đồng Nai

TPO - Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền nên các chỉ tiêu, mục tiêu của chiến lược bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về cơ bản đạt và vượt. Để đạt được kết quả đó, công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới tại Đồng Nai, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số đã được đẩy mạnh.