Khánh Hòa đẩy mạnh tuyên truyền bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc tăng cường thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nhất là ở các cộng đồng dân cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Kế hoạch thực hiện Chương trình truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, không chỉ đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ mà còn nêu rõ các giải pháp trọng tâm, trong đó có việc tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới; đổi mới về hình thức và phương thức truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông.

Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” của tỉnh Khánh Hòa cũng nêu rõ vai trò của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật như một giải pháp quan trọng để thực hiện đề án.

Khánh Hòa đẩy mạnh tuyên truyền bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số ảnh 1

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới ở Khánh Hòa. Ảnh minh họa.

Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của việc tuyên truyền bình đẳng giới, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại các địa phương, trong đó có các huyện, thị xã trong tỉnh thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng với dân tộc Kinh, tỉnh Khánh Hòa là nơi sinh sống của 35 dân tộc thiểu số như: Raglai, Hoa, Ê đê, T’rin, Tày, Nùng, Mường, Thái, Chăm, Khmer, Thổ... Đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Hòa có hơn 72 nghìn người, trong đó dân tộc Raglai chiếm khoảng 76%, tiếp đến là các dân tộc T’rin, Ê đê. Cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và một số xã, phường thuộc các huyện: Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và TP. Cam Ranh.

Đáng chú ý, thời gian qua, các cấp Hội trong tỉnh cũng đã thành lập 3 tổ điểm truyền thông tại cộng đồng; tổ chức 44 hội nghị tập huấn hướng dẫn kỹ năng truyền thông cộng đồng cho hơn 2.080 lượt Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN các xã, Chi hội trưởng, Chi hội phó, thôn trưởng/ phó, bí thư chi bộ, già làng, người có uy tín trong thôn, hội viên nòng cốt, thành viên tổ truyền thông cộng đồng; thành lập 44 tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức 33 hoạt động nhằm thực hiện các chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới, xoá bỏ định kiến giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; thành lập 16 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 15 địa chỉ an toàn tại cộng đồng. Các hoạt động này đã có tác động tích cực tới khoảng 3.000 người dân trong tỉnh, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số.

Trao đổi với báo chí mới đây, bà Phan Thị Hoà Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Khánh Hòa cho biết, Hội LHPN tỉnh cũng rất chú trọng các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại, tại 2 huyện miền núi là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Mới đây nhất vào cuối tháng 9 vừa qua, Hội LHPN huyện Khánh Vĩnh, đã ra mắt mô hình “Địa chỉ an toàn” tại thị trấn Khánh Vĩnh, các xã: Khánh Hiệp, Khánh Thượng, Khánh Bình, Khánh Phú, Sơn Thái, Cầu Bà, Khánh Đông.

Mô hình “Địa chỉ an toàn” được thành lập nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình; tuyên truyền bình đẳng giới.

Khánh Hòa đẩy mạnh tuyên truyền bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số ảnh 2

Một Hội nghị tập huấn về bình đẳng giới tại xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, vào tháng 9/2023. Ảnh: Hội LHPN Khánh Hòa.

Trước đó vào cuối tháng 8, Hội LHPN huyện Khánh Vĩnh tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật, bình đẳng giới trên địa bàn huyện cho 650 đại biểu tại thôn/tổ; cán bộ chi/tổ phụ nữ, già làng trưởng bản, người có uy ín trong cộng đồng, thành viên tổ truyền thông, thành viên mô hình địa chỉ an toàn tại 13 xã, thị trấn.

Tại Hội nghị, các học viên đã được truyền đạt một số nội dung cơ bản của Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân và gia đình, Luật trẻ em, các giải pháp nhằm thực hiện bình đẳng giới; các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng tuyên truyền, vận động và tư vấn pháp luật.

Không chỉ Hội LHPN tỉnh, các Sở, ban ngành, địa phương của tỉnh Khánh Hòa cũng đã chú trọng quan tâm đến công tác bình đẳng giới.

Theo báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật bình đẳng giới của Sở Văn hóa-Thể thao Khánh Hóa, trong những năm qua, Ngành Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương triển khai công tác tuyên truyền vận động đến từng hộ gia đình, khu dân cư các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới, công tác phụ nữ, hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ; Hướng dẫn các Sở, ban ngành, địa phương tổ chức các chiến dịch truyền thông nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới hằng năm.

Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, phối hợp lồng ghép vào các hoạt động chính trị, văn hóa của địa phương thông qua các hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hội thi, hội diễn, tọa đàm, mít tinh, treo panô, áp phích, truyền thông lưu động.

Cũng theo báo cáo, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề Dân số - Mất cân bằng giới tính - Bình đẳng giới; tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm học tập, rèn luyện của các cháu gái có thành tích học tập tốt, chia sẻ kinh nghiệm của phụ nữ làm kinh tế giỏi và nuôi dạy con ngoan trong gia đình sinh con một bề gái; đăng tải và phát các thông tin tuyên truyền đến người dân về mất cân bằng giới tính khi sinh, hệ lụy của việc lựa chọn giới tính, giới và vai trò giới trong mất cân bằng giới khi sinh trên hệ thống loa phát thanh…

Sở cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền các huyện miền núi tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, vận động các địa phương tiếp âm phát sóng tiếng dân tộc nhằm nâng cao nhận thức về giới, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, ý thức của người dân được nâng cao và chấp hành nghiêm Luật Bình đẳng giới.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, trong 3 năm 2021-2023, Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức 36 hội nghị tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật; 3 hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật cho hơn 3.000 lượt người. Các già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương…

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

TPO - Tại buổi Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức, nhiều tiểu phẩm đặc sắc, nhiều sáng kiến hay, nhiểu hoạt động thu hút.., đã giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới.