Sau khi tốt nghiệp đại học KHXH &NV quốc gia, Lưu Thị Hòa từng có hai năm làm việc trong các tập đoàn lớn của cả trong nước và quốc tế, cô cũng đồng thời thường xuyên tham gia giải cứu nông sản giúp bà con.
Hòa giới thiệu sản phẩm mắc ca Hà Giang, giúp bà con giải cứu nông sản. |
Nhận thấy tác dụng có hạn của việc giải cứu, lại cũng biết người nông dân không thể mãi trông chờ vào phương án đó, Hòa quyết đoán dứt bỏ sự nghiệp đang vào độ chín, về quê nhà ở Đồng Văn, Hà Giang lập HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ với vốn liếng dành dụm là 300 triệu đồng.
Đây có thể coi là mô hình HTX nông, lâm nghiệp và dịch vụ, thương mại tổng hợp đầu tiên trên địa bàn huyện Đồng Văn; 8 thành viên đầu tiên của HTX đều là người dân tộc thiểu số (DTTS).
Ở thời điểm ấy, Hòa đang có một công việc rất tốt tại Thủ đô. Không người thân nào ủng hộ cô mạo hiểm về quê kinh doanh.
Hòa kể: "Ở thời điểm đó, những định kiến về giới vẫn rất nặng nề. Mọi người đều cho rằng phụ nữ không nên ra mặt kinh doanh. Ai cũng bảo tôi nên duy trì công việc ổn định và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình".
Rào cản chưa dừng ở đó. Vì không được gia đình ủng hộ, cô gặp khó khăn khi muốn vay vốn đầu tư sản xuất. Các khoản vay đều yêu cầu nhiều tiêu chí, trong đó khó nhất là tài sản thế chấp.
Giám đốc trực tiếp bán hàng. |
Nhưng bất chấp những ngăn cách, Po Mỷ vẫn được thành lập như dự kiến. "Mình có tri thức, có nhiệt huyết, có sức khỏe, không lý do gì phải chùn bước trước những định kiến cũ", Hòa chia sẻ.
Tự thân khởi nghiệp, Hòa phải tự tay làm rất nhiều công việc không khác gì một nông dân thực thụ. Người sáng lập Po Mỷ ngày ngày đều cùng nhân viên cuốc đất trồng rau, khuân đồ, vác hàng, quần quật từ sớm tinh mơ đến tối muộn. Thời gian đầu, do thiếu kiến thức về nông nghiệp, hệ thống trồng rau an toàn của Hòa hỏng hết. Sau 5 tháng, HTX gần như bị phá sản. Cô buộc phải tạm thời chuyển từ sản xuất sang bao tiêu sản phẩm.
Song song với hành trình này, Hòa cùng 7 thành viên trong HTX thay nhau xin tham gia các hội thảo, hội chợ triển lãm, đến khắp các tỉnh, thành trên cả nước để học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp sạch. Quay trở lại, họ bắt đầu kêu gọi các thanh niên DTTS trên địa bàn cùng liên kết sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đồng thời tìm kiếm các đầu ra ổn định.
Đang mang thai, song Hòa vẫn liên tục đi lại giữa Hà Nội - Đồng Văn, sẵn sàng thu hoạch khoai sâm cùng bà con, livestream giới thiệu các loại quả đặc sản của Hà Giang để mở rộng tệp khách hàng.
Cô tích cực tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm để quảng bá đặc sản Hà Giang. |
Đến nay, HTX Po Mỷ đã phát triển với quy mô 2.700 m2 nông trại với quy trình khép kín; trồng, sản xuất, kinh doanh một số nông sản, đặc sản Hà Giang như: Mật ong Bạc hà, thịt lợn treo, cây ăn quả lâu năm (đào, lê), rau, củ ngắn ngày...
Bên cạnh đó, Hòa đã duy trì chuỗi cửa hàng “Về bản” tại Hà Nội, là địa điểm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản Hà Giang. Cô ưu tiên cho sinh viên người DTTS tới làm thêm theo ca để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống và học tập.
Hiện HTX Po Mỷ duy trì ổn định, mang lại doanh thu 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 12 lao động với thu nhập trung bình trên 5 triệu đồng/tháng. HTX cũng tiến hành trồng mới 2.000 cây ăn quả lâu năm, bao tiêu nhiều sản phẩm nông sản địa phương: hạt óc chó, rau theo mùa... giúp bà con cùng cải thiện thu nhập.
Trồng hoa bạc hà để lấy mật là một trong những hoạt động chủ đạo của Po Mỷ. |
Được biết, Hòa đang ấp ủ xây dựng mô hình kinh doanh Farmstay – Du lịch nông nghiệp gắn với tài nguyên bản địa. Đây là hình thức kết hợp giữa 3 lĩnh vực: Du lịch – Nông nghiệp – Văn hóa. Trong đó, sẽ chú trọng việc bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người của Hà Giang như: Cờ Lao, Pu Péo, Lô Lô… Dự án này được đánh giá cao, nằm trong 11 dự án, ý tưởng khởi nghiệp khả thi để ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh.
Sau những nỗ lực không ngừng, Hòa đã vinh dự đại diện cho thanh niên Hà Giang nhận giải thưởng Lương Định Của; phần thưởng cao quý của TƯ Đoàn trao tặng cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Hơn thế, những nỗ lực của Hòa trong quá trình khởi nghiệp đã truyền thêm cảm hứng, góp thêm một ví dụ chứng minh giới tính không phải là giới hạn. Khi phụ nữ nỗ lực tối ưu hoá các tiềm năng của mình, sáng tạo, khởi nghiệp không có giới hạn.