Ngày 23/8, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh TT-Huế phối hợp với Ban Bảo trợ điện Huệ Nam tổ chức lễ hội điện Huệ Nam, thu hút hàng vạn lượt người từ nhiều nơi trong cả nước về dự. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Lễ hội bắt đầu vào sáng 23/8 tại Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP Huế). Tại đây, rất đông thánh đồng, đạo hữu cùng người dân, du khách thập phương cùng tham gia nghi lễ, tiến hành lễ cáo. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Sau đó, các thánh đồng, đạo hữu, người dân cùng di chuyển lên điện Huệ Nam (phường Hương Hồ, TP Huế) trên hơn 80 chiếc bằng án được trang trí, ghép lại bằng thuyền rồng. Tiếp đó là các nghi lễ cung nghinh từ long thuyền lên chánh điện Huệ Nam và tổ chức khai hội, lễ cáo yết. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Theo Nghệ nhân Ưu tú Lê Văn Ngộ - Trưởng ban Bảo trợ Di tích điện Huệ Nam, lễ hội năm nay thu hút rất đông khách hành hương đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Thông qua lễ hội để người dân, cộng đồng thờ Mẫu nhận thức đúng đắn về bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam và bảo tồn được di sản phi vật thể này. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Ban tổ chức đã yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức lễ hội với quy mô, nội dung phù hợp, đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Các hoạt động nghi thức phải tổ chức theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa.(Ảnh: Đình Hoàng) |
Thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trong quá trình diễn ra lễ hội. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh TT-Huế cho biết, lễ hội được tổ chức ấn tượng, diễn ra trong thời tiết đẹp, thuận lợi, tạo sự phấn khởi trong cộng đồng nhân dân, đặc biệt là các đạo hữu Thiên Tiên Thánh giáo. Lễ hội diễn ra đến hết ngày 25/8. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Lễ hội điện Huệ Nam còn gọi là điện Hòn Chén là lễ hội dân gian ở Huế tổ chức vào dịp tháng Ba và tháng Bảy âm lịch hằng năm, nhằm tri ân, suy tôn Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Lễ hội góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản gắn với di tích điện Huệ Nam. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ.
Lễ hội điện Hòn Chén được xem như là một Festival của văn hóa dân gian vùng Huế trên sông Hương.
Nét đặc sắc nhất của lễ hội là hoạt động rước Thánh bằng thuyền trên sông Hương. Đoàn thuyền rước có đến vài chục chiếc thuyền rồng kết thành những chiếc bằng án, bên trong đặt long kiệu Thánh Mẫu và hòm sắc vua phong, cùng các vật thờ cúng như tán, tàn, cờ, quạt… xuất phát từ Nghinh Lương Đình, xuôi theo dòng sông Hương lên thượng nguồn đến điện Huệ Nam, thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham gia, chiêm ngưỡng.
Đoàn rước với với sự tham gia của nhiều người tái hiện nét văn hóa truyền thống tín ngưỡng độc đáo, phô diễn đa dạng trang phục cổ xưa đầy sắc màu kết hợp với các hình thức diễn xướng, vũ điệu đặc trưng của tín ngưỡng Thờ Mẫu.
Ngoài hoạt động cung nghinh rước Thánh Mẫu bằng đường thủy, lễ hội còn có thêm nhiều hoạt động đặc sắc như lễ Chánh tế, cầu nguyện quốc thái dân an; lễ cung nghinh Thánh Mẫu và Hội đồng Tứ Phủ, lễ chánh tế; lễ hoàn tạ và bế mạc lễ hội tại điện Huệ Nam…
Sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng dân gian và nghi thức cung đình trong lễ Điện Hòn Chén mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa lý thú trong suốt hành trình khám phá Huế.
Điện Hòn Chén (Ngọc Trản) là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc to nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương, ẩn mình dưới những tàng cây cao bóng cả. Do đỉnh núi có một chỗ võng xuống, đường kính vài mét, nước mưa thường đọng lại, trông giống cái chén đựng nước trong. Dân gian lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”, gắn liền với truyền thuyết vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc xuống dòng sông Hương và một con rùa nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua.