Xòe Thái-tinh hoa miền di sản là chủ đề của chương trình “Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc “Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò, Khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2022”, diễn ra tại sân vận động Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái ngày 24/9/2022 (trực tiếp trên VTV1 và tiếp sóng trên YTV từ 20h).
Chương trình do UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo thực hiện; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái tổ chức, có sự phối hợp của các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên-các cộng đồng có chung di sản xòe Thái.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến từng có kinh nghiệm thực hiện sự kiện “Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải” được tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vào tháng 9 năm 2019, thu hút hơn 20.000 người tham dự. Màn Đại xòe với 5.000 người tham gia.
Đạo diễn Hải Yến (thứ hai từ phải qua) trao đổi với lãnh đạo tỉnh Yên Bái về việc tổ chức lễ hội và lễ đón bằng di sản xòe Thái. |
Thiên sử thi bằng nghệ thuật về lịch sử, con người, văn hoá, đời sống… của người Thái qua 3 chương: “Thiên di- Dựng bản, lập mường”; “Miền Di sản” và “Tinh hoa nghệ thuật Xòe”.
Chương 3 kết thúc bằng hình ảnh Khau Cút trên mái nhà người Thái và hoa ban nở để nói về sự trở về và những ước vọng hạnh phúc, sự phồn thịnh của dân tộc cùng với văn hoá. Tất cả các đạo cụ trên sân khấu như quần áo, mẹt, lúa sẽ là thật chứ không phải đạo cụ, mang đến sự chân thực nhất cho chương trình.
“Tôi tự nhủ nếu không tìm ra điều mới mẻ, tôi sẽ không tham gia chương trình vinh danh năm nay. Sau ba tháng thai nghén, bằng rất nhiều cuộc điền dã, chúng tôi đã tìm thấy con đường. Chúng tôi dựng một câu chuyện, đi từ câu chuyện để cộng đồng người Thái tự kể câu chuyện của mình. Tổng thời lượng chương trình gồm 90 phút, trong đó có 30 phút dành cho phần lễ, 60 phút cho phần hội gồm các phần biểu diễn nghệ thuật và xòe Thái chắc chắn sẽ hấp dẫn người xem”, tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết.
Với một chương trình tôn vinh di sản mang tính cộng đồng như Xòe Thái, tổng đạo diễn nói không thể làm ở sân khấu trong nhà mà phải thực hiện ngoài trời. Đó cũng là một khó khăn.
“Trong quá trình làm, chúng tôi nhận được một bức tâm thư của thầy giáo người Thái. Anh ấy nói, với các chương trình đã từng làm trước đó, xem xong đồng bào không thấy bóng dáng dân tộc mình, câu chuyện của mình trong đó vì được kể bằng ngôn ngữ của một dân tộc khác. Chính vì vậy, chúng tôi thấy rằng, đã làm sự kiện văn hoá dân tộc là phải đi đến tận cùng của văn hoá, để cộng đồng dân tộc Thái tự kể câu chuyện của mình”, chị nói.
Phối cảnh sân khấu lễ đón bằng di sản xòe Thái. |
Ban đầu chỉ dự kiến huy động hơn 200 diễn viên chuyên nghiệp, tuy nhiên con số này lên tới gần 900 diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên và nghiệp dư, cùng 2.022 diễn viên quần chúng là bà con tham gia màn xòe ở chương cuối.
Sân vận động Nghĩa Lộ sẽ trở thành một sân khấu đại cảnh với âm nhạc và vũ kịch. Các yếu tố công nghệ, kỹ thuật chỉ phụ trợ cho các phần biểu diễn của con người. Gần 3 nghìn người chia thành ba nơi để tập luyện suốt thời gian qua-Hà Nội, trung tâm Yên Bái và tại Nghĩa Lộ.
Sẽ có gần 3.000 người biểu diễn tại lễ đón bằng di sản xòe Thái. |
Nhạc sỹ Mạnh Tiến cho biết, dân tộc Thái có chữ viết, tiếng nói và âm nhạc rất độc đáo. "Khi nhận được tâm thư của người dân, chúng tôi thấy, với văn hoá, mình không thể đùa được. Chúng tôi cố gắng hết mình cho chương trình, dùng nhiều đạo cụ dân tộc, hình thức âm nhạc sẽ là world music. Đặc biệt, sẽ có 90% âm nhạc trong chương trình là tiếng Thái, tự viết, do các nghệ nhân và nghệ sĩ biểu diễn.
Chương trình có phụ đề tiếng Việt để khán giả hiểu nội dung nghệ thuật. Chỉ có Tùng Dương với Chiếc khăn Phiêu và Sèn Hoàng Mỹ Lam với Về Yên Bái múa điệu Xòe Hoa là tiết mục bằng tiếng Việt. Tôi tin, cách làm này, lối đi mới này sẽ chạm vào cảm xúc của khán giả, đặc biệt là người Thái. Chương trình cũng sẽ có sự biểu diễn của 20 nghệ nhân người Thái đến từ các tỉnh", nhạc sĩ Mạnh Tiến nói.
Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp), kết hợp trực tuyến. Chủ trì phiên họp thông qua hồ sơ Xòe Thái, ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vào chiều tối 15/12/2021.
Mặc dù động tác múa đơn giản, nhưng xòe biểu trưng cho khát vọng về sức khỏe và hòa hợp của cộng đồng. Đặc biệt là những động tác múa uyển chuyển hòa với âm nhạc của các nhạc cụ như tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, bẳng bu; những nhạc cụ cùng với bài hát, trang phục áo cóm, âm thanh phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Thái. Xòe trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và như là một dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.