Xòe ở mãi với người Thái

0:00 / 0:00
0:00
Nghệ thuật Xòe Thái có đặc trưng về tính đoàn kết, cố kết cộng đồng
Nghệ thuật Xòe Thái có đặc trưng về tính đoàn kết, cố kết cộng đồng
TP - Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến-“của báu” của đồng bào Thái-ví von “người Thái vắng điệu xòe như cái cây thiếu nước”. Người Thái yêu xòe từ thơ bé, gắn bó với xòe trọn cuộc đời cho nên cộng đồng luôn trăn trở để Xòe Thái được trao truyền, ở đời với đồng bào.

Trông cậy vào lớp trẻ

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến (Yên Bái) khoe năm nay 89 tuổi, mừng khôn xiết vì còn sống chứng kiến ngày Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Gần 30 năm nay, nghệ nhân Lò Văn Biến mang tay nải đến từng bản truyền dạy Xòe Thái. “Tôi làm vô tư, không nhận một đồng bồi dưỡng nào. Đêm nào tôi cũng đi, hết bản này tới bản khác, rồi tới các trường nghệ thuật nữa. Sau này khi di sản được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, tỉnh mời tôi dạy cho các trường phổ thông. Tuổi già sức yếu nên tôi đề nghị với các xã đưa giáo viên về một chỗ để tiện cho việc truyền dạy”, cụ Lò Văn Biến tâm sự.

“Bước vào múa xòe không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, cấp trên cấp dưới. Mọi người đều nắm tay nhau xòe. Đó là tính đoàn kết, bình đẳng của Xòe Thái”.Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến

Là người thành lập đội văn nghệ đầu tiên của Nghĩa Lộ vào năm 1953, nghệ nhân Lò Văn Biến cho rằng không thể bỏ qua vai trò của các đội văn nghệ trong quá trình trao truyền Xòe Thái. Bản nào có đội văn nghệ của bản ấy. “Đối với người Thái, nếu không có xòe giống như cái cây không có nước tưới tắm. Họ rất yêu xòe rồi, vì thế làm thế nào ta phải duy trì tình yêu đó bằng cách quảng bá di sản, đưa vào các trường học cho lớp trẻ. Làm được như vậy thì không lo mai một, bằng không thì công nhận xong là mất di sản”, cụ Biến nêu. Cụ phân tích, xòe là cách để gắn kết con người, thể hiện vũ trụ quan của người Thái. Người Thái hiếu khách, đến nhà nhất định mời rượu. Tiếp rượu phải mềm mại, uyển chuyển, từ đó có điệu xòe mời rượu. Phụ nữ Thái phải biết dệt vải, thêu khăn nên có điệu xòe khăn...

Xòe ở mãi với người Thái ảnh 1

Xòe chính là hồn cốt, là máu thịt của người Thái

Chị Lò Thị Thin (bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi, TP Sơn La) 38 tuổi kể, trước khi biết chữ đã được ông bà, mẹ dạy xòe. Chị Thin là Chi hội trưởng Phụ nữ xã nên càng có nhiều dịp phát huy các điệu xòe của dân tộc mình. “Người dân bản thường xuyên luyện tập, giữ gìn truyền thống, nét văn hóa của dân tộc. Lớp trẻ đang có xu hướng hòa nhập nhiều yếu tố hiện đại vào Xòe Thái, chính vì vậy, Sở VHTTDL và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền để bà con lưu giữ tránh mai một”, chị Thin nói. Chị khoe, bản Chậu Cọ mới thành lập câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Thái để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, dạy cho con cháu không chỉ về Xòe Thái, mà còn cả về chữ viết, nét sinh hoạt hằng ngày, sinh hoạt lễ hội của người Thái.

Tôn trọng sự đa dạng

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn cựu Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai cho rằng, cần có nghiên cứu khoa học để thống nhất quan điểm bảo tồn Xòe Thái, trong đó phải tôn trọng quá trình tái sáng tạo của cộng đồng. “Đặc trưng của xòe chính là ở động tác nhún, đi lại, động tác chân, tay uyển chuyển, âm nhạc theo nhịp 2/4. Hồn cốt Thái thể hiện rõ nhất ở Xoè vòng. Bất kỳ cuộc vui nào người ta cũng cầm tay nhau xòe. Xòe Thái cũng có tính phong phú, không nên áp đặt theo bất cứ một vùng miền nào. Chính nét văn hóa riêng ở từng vùng góp phần làm phong phú cho di sản. Xòe Thái là máu thịt của người Thái, làm sao để di sản này ở mãi với người Thái”, TS Trần Hữu Sơn nói.

Bản Thái còn, Xòe Thái còn

Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên là bốn địa phương chụm lại xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đệ trình UNESCO. Các tỉnh Tây Bắc này tự hào có được những điệu xòe vừa đậm bản sắc lại vừa mang tính đại chúng, hướng đến sự cố kết cộng đồng. Trong hồ sơ đệ trình, các địa phương này phải nêu được kế hoạch bảo tồn, phát huy di sản Xòe Thái-hay còn gọi Chương trình hành động. Không chỉ chờ vinh danh mới thực hiện, họ đã coi đó là việc thiết thân bấy lâu nay: sưu tầm, tổng hợp tài liệu, dữ liệu để làm căn cứ khoa học; tạo điều kiện cho nghệ nhân dân gian, các cá nhân am hiểu Xòe Thái trao truyền cho thế hệ con em; đưa Xòe Thái vào chương trình học tại địa phương...

Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc TS Trần Hữu Sơn nêu, muốn bảo tồn Xòe Thái thì một trong những yếu tố sống còn là giữ cho được bản Thái. Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nói với Tiền Phong, ông hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Tỉnh Yên Bái có chính sách vận động bà con hiểu, giữ gìn bản sắc văn hóa từ kiến trúc nhà ở, văn hóa lễ hội trong đó có bao gồm Xòe Thái. Suy cho cùng, di sản cũng có thể làm gia tăng giá trị kinh tế, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

“Khi tỉnh Yên Bái xây dựng khu bản tái định cư cho vùng thường xuyên hứng chịu thiên tai, chính quyền luôn vận động bà con cố gắng giữ được hình thức nhà sàn, vừa làm nơi ở vừa phát triển bản du lịch cộng đồng. Chúng tôi cũng vận động bà con đừng đưa karaoke về bản, bởi khách du lịch không thích những nét văn hóa, dịch vụ đại trà mà họ có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Địa phương có sự hỗ trợ thiết bị, hệ thống nước sạch đối với gia đình duy trì hình thái nhà ở truyền thống để làm du lịch cộng đồng”, lãnh đạo tỉnh Yên Bái nói.

Tinh thần quan trọng nhất của Xòe Thái là thể hiện tình đoàn kết, liên kết cá nhân trong cộng đồng. Cùng là Xòe Thái nhưng mỗi vùng miền có thêm nét văn hóa riêng: Yên Bái có sáu điệu xòe cổ, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên có vài sự sáng tạo riêng khi trình diễn. “Thế nhưng bà con người Thái đều tôn trọng sự đa dạng đó, không vì sự khác biệt mà muốn thay đổi bản sắc ở cộng đồng của địa phương”, lãnh đạo tỉnh Yên Bái phân tích.

Người Thái tự hào có Xòe Thái, cho nên họ không tiếc công sức để làm giàu đẹp thêm cho di sản tinh thần này. Nghệ nhân Lò Văn Biến nhớ lại, khi hội thảo quốc tế về Xòe Thái tổ chức ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Yên Bái huy động đông đảo nghệ nhân, bà con về biểu diễn. “Nhiều người hỏi làm sao có kinh phí bồi dưỡng cho bà con. Dân vận mà ra đấy. Đó cũng là ý thức của bà con. Chúng tôi tập cả ngày cũng chỉ nhận cái bánh chưng ăn cho ấm bụng. Xòe Thái thấm trong cộng đồng rồi. Giữ gìn Xòe Thái không nên nghĩ về tiền nhiều quá. Họ thích xòe lắm chứ, đến các bà già móm mém cũng muốn đứng lên xòe cơ mà”, cụ Lò Văn Biến nói.

MỚI - NÓNG