Quyết định số 1401/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ghi danh các di sản, trong đó có nghệ thuật khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, khèn Mông là loại nhạc cụ phổ biến và mang tính đặc trưng nhất của người Mông. Nhạc cụ này luôn là người bạn đường chung thủy của các chàng trai Mông, trong các dịp lễ hội, hay trên đường xuống chợ, đi rừng, đi nương, những điệu khèn là tiếng nói thể hiện lòng biết ơn đối với công lao sâu nặng của các đấng sinh thành, là tiếng lòng, khúc tâm tình của các chàng trai gửi tới người con gái mà mình yêu thương…
Tiếng khèn giúp họ kết đôi, xây dựng nên một gia đình hạnh phúc. Đặc biệt trong các nghi lễ, tín ngưỡng hay trong các lễ hội dân tộc, khèn là vật linh thiêng không thể thiếu.
Đồng diễn múa Khèn Mông tại Festival Khèn Mông lần thứ nhất năm 2022. Ảnh: BYB. |
Tỉnh Yên Bái luôn quan tâm đầu tư bảo tồn, khôi phục nhằm phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông, tổ chức nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật khèn Mông trong các lễ hội, sự kiện kỷ niệm của tỉnh, của đất nước, đặc biệt là trong các hoạt động thúc đẩy du lịch của tỉnh. Năm 2022, Festival Khèn Mông lần thứ nhất diễn ra tại Mù Cang Chải.
Nghệ thuật khèn Mông trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, góp phần vinh danh di sản và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.
Cây khèn của người Mông gồm 2 bộ phận chính là thân khèn và ống khèn. Thân khèn làm bằng gỗ pơmu dài khoảng 70 cm, bên trong có lưỡi gà bằng đồng để tạo ra âm thanh. Ống khèn là bộ phận điều chỉnh và trực tiếp phát ra âm thanh gồm 6 ống tre lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau. Mỗi ống có một lỗ điều chỉnh âm điệu.