Đi tìm dấu tích Đệ nhất thương cảng Vân Đồn

0:00 / 0:00
0:00
Đình Quan Lạn là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ vua Lý Anh Tông
Đình Quan Lạn là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ vua Lý Anh Tông
TP - Suốt trong 7 thế kỷ, thương cảng Vân Đồn là trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất Đại Việt với các mặt hàng được giao thương như vàng, bạc, ngọc trai, ngà voi, trầm và đồ gốm... Có không ít câu chuyện về những thuyền buôn chở đầy vàng bạc bị đánh chìm đến nay chưa tìm thấy tung tích.

Kho báu dưới đáy biển?

Trang Vân Đồn (hay còn gọi là làng Vân) vốn là tên gọi cổ xưa của xã Quan Lạn ngày nay, thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Tính đến nay, Quan Lạn có gần 900 năm tồn tại và phát triển. Cái tên Vân Đồn cũng được người dân tương truyền là do nhà vua đặt tiền đồn ở ngoài hải đảo. Mỗi sáng sớm thường bị mây mù che phủ, chỉ khi ánh mặt trời lên mới nhìn rõ tiền đồn nên tên gọi Vân Đồn cũng gắn liền với làng Vân.

Thương cảng Vân Đồn xưa là một hệ thống bao gồm các bến thuyền thương mại trên nhiều đảo quây quần trong vùng vịnh Bái Tử Long, phạm vi đến khoảng 200km2. Phía ngoài được bao bọc bởi đảo Quan Lạn chạy dài hướng ra như cánh cung ôm trọn hàng trăm đảo lớn nhỏ phía trong.

Đi tìm dấu tích Đệ nhất thương cảng Vân Đồn ảnh 1

Một góc nhỏ của thị trấn Vân Đồn ngày nay

Qua nhiều thế kỷ, người dân Quan Lạn vẫn tương truyền nhiều câu chuyện về những con thuyền chở đầy kho báu bị đánh chìm trên vùng biển Vân Đồn. Trong đó, câu chuyện về chiếc thuyền buôn của Xiêm La chở đầy ngà voi bị bão đánh chìm khi chưa vào đến vùng biển Quan Lạn là câu chuyện kỳ bí và có nhiều tình tiết được thực tế chứng minh. Vài chục năm trước đã có người đánh cá vớt được một khúc ngà voi bị nước biển ăn mòn gần khu vực tàu đắm.

“Di tích thương cảng cổ Vân Đồn được công nhận là một trong 4 di tích trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh (cùng với Cụm di tích chiến thắng Bạch Đằng, Khu danh thắng Yên Tử, Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều), đã thể hiện rõ vai trò, ý nghĩa, giá trị lịch sử của khu di tích trong hệ thống các thương cảng của Việt Nam”.

“Tôi cũng không nhớ rõ về những câu chuyện này nữa, nhưng từ khi sinh ra, người Quan Lạn sẽ ít nhất 1 lần được nghe về những kho báu bị chìm ngoài biển. Cũng có người vớt được tiền xu, cũng có người vớt được mảnh sành nhưng chưa có ai tìm được kho báu cả” - cụ Mượt (83 tuổi) lão ngư ở Quan Lạn kể lại.

Nhiều người tin vào những lời đồn đã dành gần nửa cuộc đời đi tìm kho báu. Ngoài những vị trí được cho là điểm neo đậu tàu thuyền của thương cảng cổ, họ còn tìm kiếm sang tận Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Thậm chí những địa điểm có tên trong Đại Việt Sử Ký Toàn thư như Cửa Lục, Lục Thủy, Vân Hải, Quảng Yên đều được họ đánh dấu truy tìm.

“Tất cả chỉ là những câu chuyện truyền miệng từ đời này qua đời khác. Những gia đình thương nhân thực sự của thương cảng Vân Đồn đã chuyển đi từ đầu thế kỷ 18 khi thương cảng bị hạn chế giao thương. Qua hàng trăm năm, những câu chuyện ấy không còn xác thực. Việc truy tìm kho báu chỉ là chuyện viển vông mà thôi” - cụ Mượt vừa cười vừa nói.

Với ánh mắt cương quyết, anh bạn đồng hành làm nghề chạy tàu chở khách ra đảo vẫn khẳng định: “Chắc chắn có kho báu nhưng chưa tìm ra thôi. Năm 2009, một số ngư dân ở huyện Vân Đồn làm nghề lặn biển đã từng mò được cổ vật tại một luồng lạch thuộc vịnh Bái Tử Long. Tại các làng chài Ba Hang, Vung Viêng, ngư dân ở đây lặn mò hải sản vẫn thường nhặt được những lon sành, bát, đĩa gốm. Những dấu vết đó cho thấy giả thiết có những con tàu cổ bị đắm là có cơ sở”.

Dấu tích của đệ nhất thương cảng

Để xác thực những câu chuyện kỳ bí về kho báu của thương cảng Vân Đồn, anh bạn đồng hành nhất quyết dẫn tôi đi mục sở thị một số địa điểm được cho là vị trí chính xác của thương cảng cổ xưa. Điểm đầu tiên là bến Cái Làng nằm sát chân núi Man thuộc đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Trước kia, đây là khu vực trung tâm diễn ra các hoạt động buôn bán các loại hàng hóa quý như ngà voi, ngọc trai, đồ gốm... Nơi đây từng được coi là “bến cảng chính”, “cảng trung tâm” của thương cảng Vân Đồn.

Đi tìm dấu tích Đệ nhất thương cảng Vân Đồn ảnh 2

Các nhà khảo cổ thu thập những “mảnh ghép” thời gian của thương cảng Vân Đồn

Chờ thủy triều rút, Sơn (bạn đồng hành) lấy ra 2 đôi ủng và dặn tôi mang vào để lội bùn dọc bãi biển. Sau hơn 1 giờ đồng hồ luồn lách dưới những tán cây của khu rừng ngập mặn, hiện ra trước mắt là một là một bãi mênh mông những mảnh sành, sứ nằm la liệt phơi mình dưới ánh nắng. Khu vực này rộng gần 2ha, bao quanh là các khoảnh rừng ngập mặn nằm sát biển.

Với vẻ mặt đầy hoan hỉ, Sơn nói: “Đấy! Ông thấy chưa, dưới chân ông là cả một kho tàng văn hóa. Đồ gốm ở đây đều là của các tàu buôn cách đây hàng trăm năm bỏ lại. Gốm Nhật có, gốm Trung Quốc có, gốm của châu Âu cũng có. Khu này ngày xưa nhiều nhà khảo cổ về khai quật ra hàng tá đồ cổ có giá trị tiền tỷ đấy”.

Chưa kịp nhìn ngắm bãi mảnh sành, Sơn lại néo tay tôi lôi xềnh xệch về phía chân núi Man. Vừa đi, hắn vừa thao thao bất tuyệt về câu chuyện giếng Nàng Tiên hay còn gọi là giếng Hệu. Giếng này trước đây là nguồn nước ngọt duy nhất của đảo và cũng là nơi cung cấp nước cho các thuyền buôn từ xa tới.

“Giếng Hệu thực chất là giếng Hợi, do cư dân địa phương gọi chệch đi. Giếng được đào từ thời nhà Lý, nhằm phục vụ nước sinh hoạt cho các tàu buôn trong và ngoài nước. Các cụ xưa truyền lại rằng: Nước giếng Hệu rất trong và mát. Các cô gái trong vùng gội đầu nước giếng Hệu, tóc sẽ mọc dài ra, đen và óng mượt. Do vậy câu ca: “Khi đi tóc chấm ngang vai/ Gội đầu giếng Hệu tóc dài ngang lưng” đã gắn bó với biết bao thế hệ người dân Quan Lạn” - ông Nguyễn Mạnh Hùng, người duy nhất sinh sống tại bến Cái Làng nói.

Như để minh chứng rõ ràng hơn về những dấu tích của thương cảng cổ, Sơn dẫn tôi đến thăm đình Quan Lạn ở thôn Đoài. Ngôi đình được coi là đặc biệt nhất Việt Nam vì lý do đình thường để thờ thành hoàng làng và các vị tiền bối có công quai đê lập ấp. Riêng đình Quan Lạn là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ vua Lý Anh Tông, người có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn xưa và tướng Trần Khánh Dư, người trấn ải Vân Đồn...

Ngoài những dấu tích còn sót lại của thương cảng cổ ở Quan Lạn, hiện Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh vẫn lưu giữ nhiều hiện vật như đồ gốm, các hũ sành đựng tiền đồng cổ thuộc các thời đại phong kiến Trung Quốc từ nhà Đường tới nhà Thanh; tiền Việt Nam từ nhà Lý tới nhà Nguyễn. Tất cả những dấu tích đều thể hiện sự quy mô và sầm uất của đệ nhất thương cảng Vân Đồn.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội

TPO - Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống vừa được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) ký ban hành với mục đích đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh, đồng thời bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn.
Điểm cầu tỉnh Cao bằng tham gia họp trực tuyến.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn

TPO - Sáng 23/11, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội nghị trực tuyến làm việc với lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của 2 tỉnh trong quá trình thực hiện.