ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa- Đoàn Lạng Sơn |
Ngày 24/5, thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nhấn mạnh, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc. Ngày 18/11/2019, Quốc hội đã thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2012-2030.
Theo ông Nghĩa, đây là sự kiện mang tính lịch sử cho sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Lần đầu tiên đồng bào có được văn bản do Quốc hội ban hành, tích hợp đầy đủ nhất các chính sách đầu tư phát triển cho đồng bào. Nghị quyết số 88 cũng yêu cầu Chính phủ tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách dân tộc, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp.
Dẫn Kết luận số 65 ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới cũng yêu cầu "Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số", ông Nghĩa cho biết: Theo rà soát của Ủy ban Dân tộc, hệ thống quy phạm pháp luật về công tác dân tộc nằm rải rác ở hơn 300 văn bản, chủ yếu là văn bản ở cấp Chính phủ, cấp bộ với 52 nghị định, 11 nghị quyết của Chính phủ, 118 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hơn 50 thông tư của các Bộ trưởng.
Trong khi đó, Điểm e khoản 1 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Quốc hội ban hành luật để quy định chính sách dân tộc. Vì vậy, theo ông Nghĩa cần có quy phạm pháp luật ở tầm luật điều chỉnh thống nhất các chính sách dân tộc, làm công cụ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc.
“Ở nước ta, dự án Luật Dân tộc đã được soạn thảo từ năm 1993 theo Quyết định số 18 ngày 4/2/1993 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến nay đã gần 30 năm, đã qua nhiều lần dự thảo, nhiều lần xin ý kiến nhưng vẫn chưa được trình Quốc hội”, ông Nghĩa cho hay.
Với mong muốn tha thiết của cử tri, đồng bào các dân tộc thiểu số về một văn bản luật có giá trị pháp lý cao, điều chỉnh tổng thể và toàn diện về dân tộc thiểu số, ông Nghĩa đề nghị Chính phủ sớm tổng kết việc thực hiện Nghị định số 05 năm 2011 về công tác dân tộc và các quy định có liên quan để lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật về công tác dân tộc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa dự án này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 hoặc chậm nhất là năm 2024 để xem xét, thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.