Đề nghị luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại biểu Quốc hội đề nghị luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để tạo ra những đột phá, thúc đẩy sự phát triển, hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra.
Đề nghị luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ảnh 1

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm (ảnh Nhật Minh)

Vượt qua pháp luật hiện hành để đột phá phát triển

Sáng 24/5, thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám vì lợi ích chung.

Theo ông, Đại hội XIII của Đảng đã đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 Việt Nam là nước công nghiệp; chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, yêu cầu tăng trưởng GDP bình quân đạt 7%/năm.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm chậm tốc độ phát triển, ông Cảnh cho rằng, để hoàn thành được các mục tiêu đề ra cần phải có những đột phá. Trước hết, theo ông Cảnh cần phải có đột phá về chính sách, công tác điều hành.

Đặc biệt, theo đại biểu Quốc hội này, để phát triển, một số trường hợp cần phải vượt qua chính sách pháp luật hiện hành, để đạt được kết quả cao hơn vì lợi ích chung.

“Muốn có đột phá thì chúng ta cần có Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Luật này có thể xung đột với nhiều luật khác như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường... nhưng sẽ có giá trị pháp lý cao hơn. Có thế thì chủ trương bảo vệ những người dám nghĩ dám làm, bảo vệ lợi ích chung mới sớm đi vào cuộc sống”.

Hiến kế về nội dung của luật, ông Cảnh cho rằng, Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm sẽ có hai phần. Phần một là phần cá nhân, tổ chức quyết định những công việc chưa được pháp luật quy định. Hai là phần cá nhân, tổ chức quyết định những công việc trái với pháp luật hiện hành quy định.

Trong mỗi trường hợp sẽ quy định cụ thể việc xin ý kiến tập thể, mặt trận, lãnh đạo, cấp trên. Trên cơ sở đó sẽ cân nhắc vì lợi ích chung, như với quyết định này sẽ giúp tăng trưởng địa phương là bao nhiêu %, ngân sách tăng bao nhiêu %, đẩy nhanh tốc độ xây dựng hạ tầng bao nhiêu... Những con số này sẽ được tính toán khoa học.

“Quyết định này sẽ không làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Cá nhân, tổ chức đưa ra quyết định đột phá, dám nghĩ, dám làm mang lại lợi ích sẽ được tuyên dương, khen thưởng để lan tỏa trong xã hội”, ông Cảnh nói.

Lùi thời gian trình dự án Luật Đất đai

Theo tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến khi có chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Trước đề xuất trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật; đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các văn bản luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Mặt khác, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (tháng 5/2022) mới tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW để ban hành Nghị quyết mới nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện dự án Luật.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật này từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6).

Đối với dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), nhưng chưa được Quốc hội đồng ý xem xét, thông qua. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị văn bản báo cáo về kết quả nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh các dự án luật này, đồng thời báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình xem xét quyết định đưa vào Chương trình.

MỚI - NÓNG