Theo đó, tu bổ tháp Nam với các nội dung: Gia cố, tu bổ từ chân tháp đến đuôi tầng mái thứ nhất cốt +11,5m: thay thế gạch mặt tường tháp; tái định vị khối xây đến cấu trúc chính của tháp; xử lý các vết nứt trên tường thân tháp, mái sảnh tháp; bảo quản bề mặt gạch phục chế sau tu bổ. Gia cố tạo chân đỡ cho khối xây vòm cửa hướng đông có nguy cơ sụp đổ; khối xây bị mất do mục ở chân tháp các mặt phía Nam, Tây, Bắc và khối xây tường thân tháp; Lát gạch phục chế nền lòng tháp; Chống mối công trình. Các hạng mục công trình phụ trợ, phục vụ trùng tu gồm: Nhà làm việc, kho kết hợp với sơ chế vật liệu; Nhà che và dàn giáo phục vụ thi công.
Đồng thời lưu ý dự án phải đảm bảo các danh mục tiêu chuẩn chủ yếu được lựa chọn như: TCVN 12603:2018 Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích kiến trúc nghệ thuật; Quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành áp dụng cho công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích, danh lam thắng cảnh; Các quy chuẩn liên quan đến trùng tu, tu bổ tháp Chăm; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm hiện hành có liên quan.
Theo Phòng Văn hóa Thông tin huyện Núi Thành, di tích tháp Chăm Khương Mỹ được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1989, gồm 3 tháp liên hoàn nằm kề nhau, được xếp theo trục Bắc - Nam gồm: tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam.
Cụm tháp này có kiến trúc kiểu tháp Champa truyền thống với mặt bằng gần vuông, cửa ra vào ở hướng đông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch. Các nhà nghiên cứu cho rằng tháp Nam được xây dựng đầu tiên, lớn nhất trong nhóm, cấu trúc gần như 2 tháp kia, nhưng trên mỗi mặt tường chỉ có 4 trụ ốp tường. Hoa văn trang trí trên các trụ ốp tường và các mảng tường là các dải hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với hoa văn hình thoi.
Theo các nhà nghiên cứu, tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 9 - đầu thế kỷ 10. Cụm tháp nằm trên làng Khương Mỹ xưa nên có tên Khương Mỹ.
Dự án nhằm mục tiêu bảo tồn, giữ gìn tính nguyên gốc của di tích, phát huy giá trị của di tích trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Quảng Nam. Mặt khác, tuy là địa điểm nổi tiếng, nhưng lượng khách đến tham quan và tìm hiểu về khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của một di tích lịch sử hào hùng. Hy vọng sau khi được tôn tạo, tu bổ di tích này sẽ phát huy giá trị trong việc khai thác tiềm năng du lịch.