Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) có ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết các nhóm dân số với tư cách là những người tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, đặc biệt là phụ nữ.
Thế nên, theo nhiều chuyên gia, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) với nhiều quy định sửa đổi, bổ sung, chính là cơ hội để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường vào ngày 23/11.
Ở góc độ bình đẳng giới, khi trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ quan soạn thảo đã tuân thủ thủ tục, quy trình xây dựng pháp luật, tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới.
Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá cụ thể hơn đối với từng chính sách để bảo đảm tính khả thi của việc giải quyết vấn đề giới trong dự thảo Luật, đồng thời nghiên cứu quy định mang tính nguyên tắc, nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số về các chính sách bảo hiểm xã hội đặc thù.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh |
Tại phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TS. Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội cũng đã có những phân tích sâu về chế độ thai sản quy định trong dự thảo Luật.
Theo ông Khải, cần hướng tới một hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam, mức hưởng chế độ thai sản phải tối thiểu bằng mức chuẩn nghèo, đảm bảo không có phụ nữ nào rơi vào cảnh nghèo đói vì có con.
Ông Khải cho rằng, nếu quy định như dự thảo Luật “người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con” - mức này theo ông là rất thấp.
“Theo tiêu chuẩn quốc tế, phụ nữ cần được nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần thì mức này chỉ tương đương 145.000 đồng/tuần, tức là khoảng 600.000 đồng/tháng, chỉ bằng 40% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn”, ông Khải phân tích.
Từ đó, đại biểu đề xuất mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) là 1,5 triệu đồng/tháng (mức chuẩn nghèo nông thôn) trong 14 tuần (3,5 tháng) là phù hợp và vẫn giữ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo người dân tộc thiểu số khi sinh con.