Sáng tạo truyền dạy ngoại ngữ
Cô Bành Ngọc Thủy (SN 1980, dân tộc Hoa) hơn 20 năm nay dạy ngoại ngữ trên huyện miền núi Lộc Bình, Lạng Sơn. Cô Thủy về công tác tại Trường THCS thị trấn Lộc Bình từ 2016, mang theo “làn gió mới” học ngoại ngữ cho những cô cậu học trò người dân tộc thiểu số Tày, Nùng...
Từ những học sinh dân tộc thiểu số nhút nhát, thiếu kỹ năng giao tiếp, các em trở thành trung tâm của hoạt động ngoại khóa thuyết trình bằng tiếng Anh trong Ngày hội tiếng Anh, Lễ hội Halloween… Để tạo ra môi trường nói tiếng Anh, cô Thủy bắt đầu từ những hoạt động đơn giản như: chào hỏi thầy cô giáo, báo cáo sĩ số... Cô lồng ghép nội dung bài học gắn với sở thích, sở trường của học sinh để phát triển kỹ năng đọc, nghe.
Đặc biệt, cô cùng giáo viên tổ Ngoại ngữ thành lập Câu lạc bộ tiếng Anh. Mỗi lần sinh hoạt thảo luận tập trung vào các chủ đề thiết thực như “Nói không với túi nilon”, “Môi trường xung quanh em”, “Các lễ hội ở Lạng Sơn”… Cô Thủy cho biết, câu lạc bộ được thành lập từ năm 2016, những thành viên ban đầu là các em trong đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh. Hằng năm, số lượng thành viên tăng dần, hiện có hơn 60 em.
“Học sinh ở đây rất thiệt thòi, thiếu môi trường giao tiếp, rèn luyện. Việc học tiếng Anh chỉ gói gọn trong tiết học 45 phút, có những bạn không được nói gì. Chúng tôi thành lập câu lạc bộ để các em được nói nhiều hơn, từ giới thiệu bản thân, sở thích, ước mơ đến trao đổi, giao tiếp và tổ chức các hoạt động, trò chơi, để các em thực sự yêu thích và thấy tiếng Anh không chỉ là môn học trong nhà trường”, cô Thủy chia sẻ.
Những ngày tháng 11 này, các thành viên Câu lạc bộ tiếng Anh và nhiều học sinh khác trong trường đang gấp rút hoàn thành cuốn tạp chí tiếng Anh, có các bài viết gắn với chủ đề “Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11”. Đây là sáng kiến của cô Thủy để học trò có thêm trải nghiệm trong hoạt động ngoại khóa, thay cho các hình thức đóng tiểu phẩm, kịch nói, trò chơi.
“Chúng tôi chỉ hướng dẫn, việc sáng tạo nội dung, viết bài, thiết kế trình bày tạp chí là của các em. Tạp chí sẽ có 15 - 20 trang, được in màu trên khổ A3, có chủ đề gắn với Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sang tháng 1 năm sau có nhiều lễ hội địa phương, chúng tôi và các em sẽ làm các bài giới thiệu văn hóa, lễ hội bằng tiếng Anh”, cô Thủy cho biết.
“Mát tay” với giải thưởng tiếng Anh
Cô Bành Ngọc Thủy còn được biết tới là người “mát tay” giúp đội tuyển học sinh giỏi của Trường THCS thị trấn Lộc Bình giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi. Trong 5 năm học qua, dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của cô, có 43 học sinh đoạt giải cấp huyện, 18 học sinh đoạt giải cấp tỉnh, 3 học sinh đoạt giải cấp quốc gia trong cuộc thi tiếng Anh trên Internet (IOE).
Đối với một địa phương vùng cao như Lộc Bình, việc có nhiều học sinh đoạt giải học sinh giỏi môn tiếng Anh càng cho thấy những nỗ lực của cô và trò, đặc biệt là những đóng góp của cô Thủy. “May mắn là nhà trường có phòng tin học, học sinh tham gia cuộc thi được tạo điều kiện để sử dụng máy vi tính. Ngoài ra, tôi và nhiều giáo viên khác cho các em mượn máy tính xách tay để ôn luyện thêm”, cô Thủy chia sẻ.
Theo cô Cao Thị Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Lộc Bình, cô Bành Ngọc Thủy là người nhiệt tình, giàu năng lực và trách nhiệm; là gương sáng cho đồng nghiệp. Đội tuyển tiếng Anh do cô Thủy đảm trách đã đoạt nhiều giải thưởng, hai năm học vừa qua đều có học sinh đoạt giải cấp quốc gia.
Em Dương Tùng Sơn, một trong ba học sinh của trường đoạt giải cấp quốc gia cuộc thi tiếng Anh trên Internet năm 2020, hiện học Trường THPT Chuyên Chu Văn An của tỉnh Lạng Sơn. Em Sơn là một trong những “trái ngọt”, minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cô Thủy và đồng nghiệp trong tổ Ngoại ngữ của trường.
Với những đóng góp trong công tác giảng dạy và lan tỏa tình yêu ngoại ngữ đến học trò, cô Thủy là một trong 50 giáo viên được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
“Tôi thấy mình vẫn may mắn khi có điều kiện lao động tốt hơn nhiều đồng nghiệp ở vùng sâu, vùng xa. Nếu như người kỹ sư vui mừng khi nhìn thấy cây cầu mà mình mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa trĩu bông thì người giáo viên hạnh phúc khi nhìn thấy học trò trưởng thành, giỏi giang”, cô Thủy nói.