Chợ sâm tiền tỷ online giữa đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
Phiên chợ sâm tiền tỷ lúc chưa giãn cách Ảnh: H.T
Phiên chợ sâm tiền tỷ lúc chưa giãn cách Ảnh: H.T
TP - Phiên chợ sâm Ngọc Linh ở huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) nhiều tháng nay chuyển từ họp trực tiếp sang họp trực tuyến để thích ứng với tình hình dịch COVID-19.

Đợt dịch COVID-19 thứ 4 hoành hành khiến nhiều hoạt động giao thương và đi lại hạn chế, ở thủ phủ sâm Ngọc Linh, các chủ cơ sở, người dân trồng sâm cũng linh hoạt tìm cách để thích ứng. Để đảm bảo phòng chống dịch, từ tháng 4/2020, Chợ sâm Ngọc Linh và hàng dược liệu Nam Trà My chuyển sang họp online. Người tham gia phiên chợ đảm bảo thực hiện các quy định 5K.

Các quầy hàng bố trí giãn cách. Một ekip được bố trí để hỗ trợ chủ cơ sở quay, đăng tải video trên trang Facebook chính thống “Thủ phủ sâm Ngọc Linh” và kênh Youtube “Phiên chợ sâm Ngọc Linh”.

Anh Hoàng Thọ - thành viên của ekip cho hay, tất cả những thông tin đăng tải đều được kiểm duyệt chính xác từ cam kết của người bán và kiểm duyệt của Tổ kiểm định sâm để đảm bảo chất lượng. Thông tin về từng sản phẩm cũng được người bán nói cụ thể trong video cùng với giá cả được niêm yết, và số điện thoại để liên hệ.

Phiên chợ online được tổ chức từ tháng 4/2020 đến nay, nhằm nhắc nhớ về phiên chợ với đặc sản sâm Ngọc Linh và dược liệu của đồng bào vùng núi Nam Trà My, để hoạt động giao thương của người dân không bị gián đoạn. “Riêng tháng 9, tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng tại địa phương do đó các chủ cơ sở, người dân cũng không có mặt tại chợ mà ekip tới từng nhà để quay”, anh Thọ nói.

Chị Hồ Thị Mười (38 tuổi, ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), chủ cơ sở sâm Mười Cường đăng ký tham gia chợ online từ những phiên đầu đến nay. Thông qua phiên chợ, mỗi tháng chị bán được khoảng 4–5 kg sâm củ, thu về hàng trăm triệu đồng. Theo chị, cái khó trong bán online là việc vận chuyển đơn hàng khó khăn hơn bình thường. Có khi thời điểm khách liên hệ đặt mua hàng thì đang ở vùng xanh, chưa phải thực hiện giãn cách, nhưng khi hàng về thì nơi đó đã chuyển sang vùng đỏ, khiến việc giao hàng bị chậm.

Chị Mười mới biết đến Facebook từ năm 2015 sau đó tham gia Zalo, nhưng lúc đó chỉ lướt cho vui, rồi lâu lâu có đăng bài nhưng theo cảm tính, ưng gì đăng nấy và chủ yếu “khoe” những củ sâm khủng… đã bán. Nhưng sau đó, nhiều người nhắn tin xin số điện thoại liên lạc để đặt hàng nên chị chuyển dần suy nghĩ. Cho đến khi phiên chợ sâm online được tổ chức, chị tranh thủ mạng xã hội để kết nối với khách hàng nhiều hơn.

Vốn tính ham học hỏi, cô gái người đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong này sớm trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trước khi “cơn bão COVID-19” ập đến, nên khi áp dụng hình thức trực tuyến không còn nhiều bỡ ngỡ. “Cái gì mình không biết thì đi hỏi, đi học mở mang dần. Mình cũng đăng ký học 2 lớp học online buổi tối về bán hàng và quản lý để phục vụ công việc tốt hơn, thành ra nghỉ dịch còn bận hơn”, chị Mười bộc bạch.

Mới đây, chị đứng ra thành lập HTX cộng đồng Trà Linh với 16 thành viên, trong đó phân nửa là người địa phương khó khăn cùng trồng và kinh doanh sâm Ngọc Linh.

Giữ vững thương hiệu Sâm Ngọc Linh

Ông Hồ Văn Dang, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh, cho hay toàn xã có 722 hộ dân thì có tới 95% người dân trồng sâm Ngọc Linh. Đây là nguồn chính nuôi sống và giúp đồng bào ở đây thoát nghèo.

Giá trị từ cây sâm mang lại lớn nên những năm gần đây đời sống người dân khá hơn rõ rệt. Nhà cửa khang trang, đường sá mở rộng, nhiều người thành tỷ phú nhờ sâm. “Bây giờ người dân đã xài điện thoại di động thông minh, phủ sóng kết nối tới các thôn, bản. Nhiều người dùng Facebook, Zalo để bán sâm”, ông Dang cho biết.

Chợ sâm tiền tỷ online giữa đại dịch ảnh 1

“Dù mở online nhưng việc quản lý, giám sát vẫn phải đảm bảo chặt chẽ. Đây không chỉ là duy trì giao thương mà còn giữ vững thương hiệu sâm Ngọc Linh bấy lâu”.

Ông Trần Duy Dũng, khẳng định

Theo lãnh đạo xã Trà Linh, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá sâm có phần giảm hơn trước. Theo đó, sâm Ngọc Linh loại 1 (10 củ/1kg, sâm từ 10 tuổi trở lên) giá 230 triệu đồng/kg, loại 2 giá 120 triệu/kg, loại 3 giá 50 triệu/kg.

Địa phương cũng thành lập 65 chốt trồng và bảo vệ sâm Ngọc Linh. Trước đây chính quyền khuyến khích người dân mang sâm xuống chợ bán, nhưng với phiên chợ online để đảm bảo không tụ tập, mỗi chốt chỉ cử một người tham gia.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện duy trì phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản bằng hình thức bán hàng online, nhằm kết nối và đảm bảo hoạt động giao thương, buôn bán của người dân không bị ngắt quãng.

Trước đó, mỗi phiên chợ sâm Ngọc Linh đem lại doanh thu khoảng 4–5 tỷ đồng. Nay chợ chuyển sang bán online doanh thu có giảm xuống nhưng yêu cầu về chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Suốt hai năm qua, chưa xảy ra tình trạng khách hàng khiếu kiện việc bán sâm giả, kém chất lượng.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.