‘Âm vang nhịp điệu núi rừng’ giữa phố biển Quy Nhơn

TPO - Tối 16/12 tại TP. Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định khai mạc Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ 2 với chủ đề "Âm vang nhịp điệu núi rừng".
‘Âm vang nhịp điệu núi rừng’ giữa phố biển Quy Nhơn ảnh 1

Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 2. (Ảnh: T.Đ)

Tham dự liên hoan có 7 đoàn văn hóa các dân tộc miền núi, với 250 nghệ nhân, diễn viên. Trong đó, có 6 đoàn thuộc các huyện, gồm Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân.

Nét mới của liên hoan lần này có sự tham gia của đoàn biểu diễn thứ 7, thuộc Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định, lần đầu tiên đăng ký. Đoàn có 45 học sinh, người trẻ thuộc các dân tộc thiểu số miền núi, tham gia trình diễn nghệ thuật cồng chiêng và múa xoang.

‘Âm vang nhịp điệu núi rừng’ giữa phố biển Quy Nhơn ảnh 2
‘Âm vang nhịp điệu núi rừng’ giữa phố biển Quy Nhơn ảnh 3

Những màn trình diễn tại liên hoan. (Ảnh: T.Đ)

Bình Định là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em trong khu vực. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, tỉnh hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó, chủ yếu là dân tộc Chăm H’roi, Bana, H’re với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và tinh thần thượng võ của văn hóa Bình Định.

Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định đang lưu giữ vốn văn hóa phi vật thể với kho tàng nghi lễ, lễ hội truyền thống, hòa quyện với hệ thống nhạc lễ, nhạc cụ và các làn điệu dân ca, dân vũ; trong đó, cồng chiêng là nhạc cụ diễn tấu dân gian quan trọng, mang nhiều giá trị văn hóa gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần và tâm linh.

‘Âm vang nhịp điệu núi rừng’ giữa phố biển Quy Nhơn ảnh 4

Lãnh đạo tỉnh Bình Định dự liên hoan. (Ảnh: T.Đ)

Trong những năm qua, Bình Định luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ, Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 2, năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

‘Âm vang nhịp điệu núi rừng’ giữa phố biển Quy Nhơn ảnh 5

Bình Định là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa... (Ảnh: T.Đ)

‘Âm vang nhịp điệu núi rừng’ giữa phố biển Quy Nhơn ảnh 6
‘Âm vang nhịp điệu núi rừng’ giữa phố biển Quy Nhơn ảnh 7

Khán giả được thưởng thức những tiết mục biểu diễn đặc sắc với những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc. (Ảnh: T.Đ)

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định mong rằng mỗi thành viên của các đoàn tham gia liên hoan lần này tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; chủ động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm phục hồi, truyền dạy và phát huy nghệ thuật cồng chiêng đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số; giới thiệu, quảng bá văn hóa phong phú, độc đáo của các dân tộc anh em; tiếp tục nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; luôn giữ vững phẩm chất, tinh thần, ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên, là tấm gương sáng cho đồng bào ở địa phương noi theo...

‘Âm vang nhịp điệu núi rừng’ giữa phố biển Quy Nhơn ảnh 8
‘Âm vang nhịp điệu núi rừng’ giữa phố biển Quy Nhơn ảnh 9

Mặc dù, trước giờ khai mạc, trời mưa nhưng khán giả vẫn xem và cổ vũ nhiệt tình cho các đoàn tham gia Liên hoan. (Ảnh: T.Đ)

Tin liên quan