Già Ka Liên (xã Lạc Lâm, Đơn Dương, Lâm Đồng) cho biết để “bắt chồng”, sơn nữ và gia đình phải vất vả, tốn kém, đáp ứng mọi yêu cầu thách cưới của nhà trai và lo toàn bộ chi phí cho đám cưới. Đến khi chồng chẳng may vắn số, người vợ phải làm Pơthi (xây mộ) cho chồng và Shakơrtinh (thủ tục từ giã giữa dòng họ nhà chồng và nhà vợ, từ đây hai bên chẳng còn nợ nần với nhau).
Người thiểu số Tây Nguyên thường chia của, mang ra phần mộ cho người đã khuất |
Người vợ sắm sửa lễ vật mang đến nhà chồng xin được xây mộ cho người đã khuất rồi xẻ thịt trâu để làm tiệc mời họ hàng nhà chồng ăn uống. Khi tàn cỗ, người vợ còn phải chuẩn bị một đùi trâu, một chóe rượu và tiền để tạ lễ gia đình chồng.
Điêu khắc tượng gỗ để trang trí nhà mồ |
Con trâu dùng để cúng tế thuộc loại vừa hay lớn là tùy vào vai vế của người chồng trong dòng tộc. Người chồng có vị thế cao thì phải mổ trâu “bốn gang”, tức là con trâu trưởng thành có sừng dài tới bốn gang tay cho tương xứng.
Nếu vì hoàn cảnh nghèo khó mà đời mình không hoàn thành nghĩa vụ này thì con gái của người vợ góa bụa ấy phải tiếp tục thay mẹ Pơthi cho cha và Shakơrtinh cho họ hàng bên nội. Có những trường hợp, gánh nặng ấy được truyền lại cho cháu, chắt gái thực hiện.
Loại tượng thường đặt tại nhà mồ |
Còn nhớ, cách đây khoảng 10 năm, một cán bộ phụ nữ người K’Ho tâm sự: Cuộc sống của bà con khó khăn lắm, nhưng vẫn xây mộ khang trang người quá cố. Chi phí xây mộ khoảng vài triệu đồng nhưng làm Shakơrtinh hết cả chục triệu vì mời hàng trăm khách, tiệc rượu khoản đãi linh đình.
"Chồng mình bị ung thư, chữa bệnh suốt 5 năm nhưng không qua khỏi. Sau khi anh ấy về “nhà ma”, trong nhà chẳng còn thứ gì có giá trị. Vậy mà nhà chồng liên tục nhắc nhở, thậm chí còn dọa nạt bắt phải làm Pơthi, Shakơrtinh cho bằng được. Mình phải vay mượn tiền để làm; sau đó đi làm thuê, làm mướn trả nợ", chị ngậm ngùi kể.
Tương tự, chị K.D có chồng mất từ năm 1998 nhưng do hoàn cảnh gia đình quá nghèo khó nên 5 năm sau mới chạy vạy đủ tiền xây mộ cho chồng và mua trâu, ủ rượu cần làm Shakơrtinh.
Những bà góa trẻ tuổi, nếu chưa hoàn tất Pơthi, Shakơrtinh thì không được tái giá. Đối với các ông chồng góa vợ, nếu muốn cưới vợ mới thì phải vác xà gạc trở về nhà bố mẹ đẻ chứ không được ở lại ngôi nhà của mình.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng cho hay, thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/1/2013 của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 9/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền vận động giúp giới nữ thay đổi nhận thức.
Các câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “Phụ nữ 4 không” (không hôn nhân cận huyết, không tảo hôn, không thách cưới, không ma chay đình đám)… đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con hình thành nếp sống văn hóa lành mạnh; phân biệt rõ đâu là phong tục, đâu là hủ tục để dần dần xa rời hủ tục lạc hậu. Nhờ vậy, hiện nay chuyện làm Shakơrtinh đã giảm hẳn, chỉ còn một số trường hợp cá biệt.