Những chiếc lá đắng xanh rì được chị Quách Thị Tài (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho lên thớt thái chỉ, nguyên liệu nấu món canh lá đắng được chị chuẩn bị sẵn trên bàn gồm: thịt heo băm nhuyễn, ớt, mẻ, sả, mắm tôm. Theo chị Tài, nấu lá đắng không thể thiếu sả và mẻ. Vị của sả giúp món canh thơm nồng, mẻ chua làm dịu bớt vị đắng và canh ngon hơn. Nhiều nơi canh đắng buộc phải có riềng, nhưng quê chị canh đắng lấy vị của cây sả là gia vị chính. Người Mường thường nấu canh cùng lòng gà, thịt gà. Bây giờ món này được biến tấu theo nhiều kiểu, có thể nấu với thịt nạc vai, thịt ba chỉ băm nhỏ, thịt bò hoặc lòng heo, có khi nấu cùng với cá đồng..., nó trở thành món ăn bổ dưỡng được nhiều người ưa thích.
Canh lá đắng nấu thịt heo |
Bếp củi bén lửa, chị Tài bắc nồi lên bếp, cho hành tỏi vào phi thơm, cho thịt đã ướp gia vị đảo nhanh đến khi dậy mùi thơm, đổ nước vào nấu sôi sau đó cho lá đắng đã thái chỉ vào. Chị Tài cho biết, có 2 cách nấu, thứ nhất cho tất cả nguyên liệu, lá đắng và gia vị vào tẩm ướp và bắc lên bếp nấu; thứ 2, cho thịt đã ướp gia vị lên bếp đun khoảng vài phút, cho nước vào đun sôi, sau đó mới cho lá đắng vào. Hầu hết, mọi người chọn cách nấu thứ 2, vì như thế lá đắng vẫn giữ được màu bắt mắt hơn. Còn độ thơm ngon thì vẫn như nhau. Lần đầu thử canh lá đắng, khi ăn cảm giác đắng ngắt, nhưng vị đắng tan rất nhanh, thay vào đó là vị thanh cùng vị ngọt bùi của thịt.
Chị Tài kể, quê chị ở Thanh Hóa, chị theo gia đình vào Đắk Lắk lập nghiệp gần 20 năm nay. Ngoài quê, cây lá đắng mọc nhiều ở khe núi, ven rừng. Mỗi lần đi làm người dân thường hái lá về nấu canh. Người xứ Thanh thường nấu canh lá đắng để giải ngán. Bây giờ, nhiều người đem về trồng trong vườn. “Tôi lấy giống cây từ quê vào đây trồng trong vườn. Món canh lá đắng là món ăn mang đậm bản sắc núi rừng của người Mường xứ Thanh. Trong những ngày lễ, tết, hay khách quý đến chơi nhà, canh đắng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm”, chị Tài cho biết.
Theo chị Quách Thị Tài (người dân tộc Mường, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) lá đắng ngoài ăn tươi, có thể đem phơi khô, cho vào túi cất đến lúc nào cần dùng thì đem ra rửa sạch, nấu canh như các loại rau khác. Lá đắng không chỉ dùng để chế biến món ăn lạ miệng mà còn được xem như một loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh đường ruột, chống đầy hơi và giải rượu của người dân tộc Mường.