Người Thái ở lưu vực thượng nguồn sông Lam (Nghệ An) từ lâu có câu hát rằng: Ngày lại ngày/ Ngồi bên cối giã gạo nhìn em bện sợi tơ/ Ngồi đầu cầu thang ngắm em bện sợi vải/ Em bện được cuộn chỉ nhỏ anh mới về ngủ...
Theo nhạc sỹ Lê Hoàng (huyện Con Cuông, Nghệ An), người say mê sưu tầm các tập tục văn hóa cổ của cộng đồng người Thái bản địa vẫn lưu giữ những kỷ niệm thời trai trẻ của mình: Cũng như nhiều nơi khác, từ lâu phụ nữ Thái quê ông đã thạo nghề canh cửi. Vì thế mà cảnh phụ nữ ngồi quay tơ, dệt vải, thêu thùa rất phổ biến. Chị em thường coi như đây là một nghề phụ, chỉ tranh thủ lúc nông nhàn, nhất là khi đêm buông. Đôi khi, các cô gái trẻ vẫn tụ tập thành nhóm để cùng nhau thêu thùa, quay sợi. Không khí đêm tối nơi bản vắng trở nên khá vui nhộn.
Trai bản cũng có truyền thống mỗi tối thường tìm đến những nơi các cô gái ngồi thêu thùa để “tìm hiểu”. Nhờ những cuộc trò chuyện mà đêm dài như ngắn lại. Những mối tình từ đó mà bén lửa. Đó cũng là nguồn cơn của bài hát kể trên vốn rất nổi tiếng trong cộng đồng người Thái lưu vực sông Lam.
Phụ nữ Thái ở miền Tây Nghệ An dệt vải |
Ông Hoàng họ Lê, nhưng là một người Thái “xịn” vì sinh ra và lớn lên ở bản làng, nơi người ta vẫn ở nhà sàn, ăn xôi nếp, hát dân ca. Ông chia sẻ: “Người Thái vốn thuần nông. Tháng hai, tháng ba âm lịch bà con thường đi phát nương hoặc ra các bãi sông trỉa hạt bông. Tháng bảy, tháng tám, khi những nương bông nở bung, người phụ nữ Thái hái về kéo thành sợi và việc dệt vải bắt đầu. Đàn ông là người dựng khung cửi, còn phụ nữ mắc sợi, lắp con thoi và bắt đầu công việc của mình. Cũng như nhiều việc khác, người Thái thường chọn ngày dựng khung cửi cho suôn sẻ, may mắn”.
Người Thái cũng có những điều kiêng kỵ khi dệt cửi. Họ thường không để công việc dang dở qua tết Âm lịch. Ông Lê Hoàng giải thích điều này là bởi người xưa không muốn các con gái, con dâu “lười lao động” nên định ra lệ trên. Đồng thời hù dọa rằng, để khung dệt dang dở qua năm là “kiêng kỵ”.
Khung dệt truyền thống của phụ nữ Thái ở lưu vực sông Lam thường có khổ hẹp nên chỉ dệt những mảnh vải nhỏ để may váy, áo, khăn. Sau khi dệt, vải được nhộm chàm và đem thêu. Cũng có những người thực hiện các hình thêu trên khung dệt. Những tấm vải như thế thường sặc sỡ nhưng không đa dạng như thêu tay. Những hình thêu tay được ưa thích là mặt trời, mặt trăng, muông thú, cây cỏ, hoa lá... Có những phụ nữ ở bản Buộc, xã Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn) còn học theo những hình thêu từ váy của người Lào. Phụ nữ Thái ở xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) ngày nay còn lên mạng tìm các mẫu thêu mà bắt chước. Những chiếc váy Thái đẹp thường có giá bán trên 1 triệu đồng.