TPHCM:

Lung linh đèn hoa mừng đại lễ Phật đản

TPO - Nhiều tuyến đường, con phố và các ngôi chùa nổi tiếng tại TPHCM trang hoàng đèn hoa lộng lẫy, để chuẩn bị cho đại lễ Phật đản Phật lịch 2566 sắp đến.
Lung linh đèn hoa mừng đại lễ Phật đản ảnh 1
Lung linh đèn hoa mừng đại lễ Phật đản ảnh 2

Trên đường Hoàng Sa, Trường Sa và các cây cầu dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trang trí cờ và lồng đèn mừng lễ Phật đản.

Lung linh đèn hoa mừng đại lễ Phật đản ảnh 3
Lung linh đèn hoa mừng đại lễ Phật đản ảnh 4

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Phú Nhuận phối hợp với Quan Âm tu viện hạ thủy 7 bông sen hồng cỡ lớn dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ tối ngày 8/5.

Lung linh đèn hoa mừng đại lễ Phật đản ảnh 5
Lung linh đèn hoa mừng đại lễ Phật đản ảnh 6

“Lễ Phật đản mang tới giá trị văn hóa tích cực, thắp sáng niềm tin về một tương lai an lành cho người dân thành phố sau thời gian chống dịch”- một người dân ở quận Phú Nhuận chia sẻ.

Lung linh đèn hoa mừng đại lễ Phật đản ảnh 7

Chùa Pháp Hoa trên đường Trường Sa (quận 3) được thiết trí cờ, hoa, pano, biểu ngữ mừng đại lễ Phật đản. Được biết, chùa Pháp Hoa là nơi diễn ra lễ hội thả hoa đăng vào lúc 18h ngày 12/5.

Lung linh đèn hoa mừng đại lễ Phật đản ảnh 8
Lung linh đèn hoa mừng đại lễ Phật đản ảnh 9

Chùa Chantarangsay một ngôi chùa Khmer nằm trên đường Trần Quốc Thảo (Quận 3), đang lắp đặt các hệ thống chiếu sáng, trang trí mừng lễ Phật đản.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cắt nghĩa, mùa Phật đản là dịp để người con Phật khắp năm châu hân hoan chào đón ngày đức Đạo sư mang ánh sáng trí tuệ bao la và suối nguồn yêu thương bất tận đến cho nhân loại. Đây là dịp cho tất cả chúng ta ôn lại lịch sử của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, là cơ hội để Phật tử chiêm nghiệm, sống theo lời dạy vàng ngọc của Ngài, đi theo con đường giác ngộ của Ngài để đưa nhân loại đến hòa bình, an lạc và hạnh phúc.

Đức Phật dạy: Mọi sự vật, hiện tượng đều do duyên sinh. Theo đó, con người có trách nhiệm trong mỗi suy nghĩ, hành động của mình để bảo vệ sự tươi đẹp của hành tinh, và có vai trò quyết định sự phồn vinh, thịnh vượng, tương lai của vũ trụ mà chúng ta đang sống.

Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Thế Tôn lại dạy: Người nào không thành tựu Thánh giới, Thánh tuệ, Thánh định và Thánh giải thoát thì người đó tự rời khỏi pháp và luật của đức Như lai. Tu tập Giới-Định-Tuệ là thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với chính mình, với tha nhân, với nhân sinh và với xã hội. Theo lời dạy của đức Phật, trách nhiệm xã hội là tiêu chuẩn của cả đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ hành động vì hạnh phúc, an lạc của nhân loại.

“Do vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đệ tử Phật cũng phải nêu cao đạo hạnh, nghiêm trì giới luật và tuân thủ pháp luật; đồng thời siêng năng thực hành giáo lý từ, bi, hỷ, xả để nuôi dưỡng thân tâm. Đó chính là nền tảng thực hiện trách nhiệm xã hội, xóa bỏ điều ác, hận thù, vô cảm trong xã hội. Đây cũng chính là tiền đề và là động lực để mỗi chúng ta thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nêu.

Mùa Phật đản năm nay trở về trong không khí hân hoan sau hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 phải thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều mức độ khác nhau. Giáo hội đề nghị người con Phật càng phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành với dân tộc. Mỗi Tăng Ni cần nêu cao trách nhiệm và làm tròn bổn phận của mình trên tinh thần: Kỷ cương-Trách nhiệm-Đoàn kết-Phát triển, nỗ lực không ngừng làm cho Đạo Phật xương minh, xây dựng Giáo hội vững mạnh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Tin liên quan