TPO - Ngày 21/8, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cùng với các Phật tử chùa Bằng đã tổ chức lễ Vu Lan cho các bệnh nhân. Buổi lễ tiếp thêm nghị lực cho các bệnh nhân và các y, bác sĩ để chiến thắng bệnh tật, thêm nghị lực để sẻ chia hơn nữa, thêm nghị lực để yêu thương hơn nữa...
|
Ngày 22/8, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) kết hợp cùng các Phật tử chùa Bằng (Hà Nội) tổ chức "Vu lan -Mùa hiếu hạnh" cho các bệnh nhân. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP Hà Nội đã đến chia sẻ, gặp gỡ và động viên tinh thần hàng trăm bệnh nhân đang điều trị tại đây. |
|
Bệnh nhân và người nhà cài hoa hồng Vu Lan lên ngực áo trước khi dự lễ. |
|
Nghi thức “Bông hồng cài áo” trong lễ Vu Lan để tưởng nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ. |
|
Đóa hồng nơi ngực áo trong ngày lễ Vu Lan biểu trưng cho sự hiện diện của cha mẹ trong trái tim mỗi người con. |
|
Thực hành hiếu đạo là bổn phận, trách nhiệm của bất kỳ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống thường nhật. Nghi lễ "Bông hồng cài áo" trong lễ Vu Lan đã trở thành nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là dịp nhắc nhở mỗi người con, trong cuộc sống dù bộn bề lo toan nhưng vẫn luôn từng giờ, từng phút không quên báo hiếu với cha mẹ. |
|
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm trao tặng các bệnh nhân tràng hạt với lời chúc bình an, may mắn. |
|
Dịp này, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và các tổ chức thiện nguyện đã trao 300 suất quà đến bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. |
|
Buổi lễ hôm nay có khoảng 300 bệnh nhân tham dự. |
|
Buổi lễ phần nào hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân vượt qua khó khăn bệnh tật. |
|
Tại buổi lễ, người bệnh và người chăm sóc được nghe Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm giảng giải về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan với những niềm hoài cảm sâu sắc của phận làm con hướng về đấng sinh thành: “Ai sống trên đời cũng phải trải qua Sinh – Lão – Bệnh – Tử, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Vì vậy, hãy cứ vui cười và tránh những cảm xúc tiêu cực để có thể mau lành bệnh. Nếu ai đó còn cha mẹ trên đời, hãy nghĩ về việc phải cố gắng khỏe mạnh để trở về phụng dưỡng báo hiếu mẹ cha. Còn nếu ai đó đã mất đi cha mẹ, hãy nghĩ rằng cha mẹ không hề mong muốn chúng ta gặp những điều không may mắn, thậm chí còn phù hộ để chiến thắng bệnh tật". |
|
"Tổ tiên ta có câu “Con đâu cha mẹ đó”, cha mẹ vẫn luôn hiện diện trong ta, trong từng hình hài, hơi thở và dòng máu của chính ta. Ta là kết tinh của cha và mẹ, vì vậy để báo đền ân đức của cha mẹ, việc mỗi người cần làm chính là nỗ lực sống tốt, vượt qua khó khăn để trở về bên gia đình". |
|
Hòa thượng động viên các y bác sĩ coi người bệnh như chính người thân của mình, dùng y đức của người thầy thuốc để tận tình chữa trị, bởi theo Đạo Phật, trong 8 việc phúc thì phúc đức lớn nhất chính là chăm sóc người bệnh. Hòa thượng cũng mong rằng các bệnh nhân sẽ tuân thủ phác đồ điều trị của các bác sĩ, cố gắng suy nghĩ tích cực để chiến thắng bệnh tật. |
|
Chương trình “Vu Lan – Mùa Hiếu Hạnh” mang lại cho người bệnh và người chăm sóc giá trị tinh thần vô cùng quý giá, tiếp thêm nghị lực để họ điều trị tích cực sớm trở về cùng gia đình người thân. |
|
Các Phật tử chùa Bằng cùng với bệnh nhân tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chụp hình lưu niệm. |
Đại lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những nghi lễ quan trọng của những người con theo đạo Phật. Ngày rằm tháng 7 đánh dấu chư tăng kết thúc 3 tháng an cư tỏa sáng công hạnh. Trước đây, vào ngày Vu Lan, các chùa chỉ tổ chức lễ cầu siêu, tụng kinh Vu Lan cho phật tử và nói về câu chuyện hiếu lễ của Mục Kiền Liên tôn giả, không có nghi thức bông hồng cài áo.
Nghi thức bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan do thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa vào sau này. Năm 1962, thiền sư xuất bản tùy bút "Bông hồng cài áo", nói về việc ngài được một sinh viên Nhật cài bông hoa cẩm chướng màu trắng vào khuy áo tràng trong ngày mẹ của phương Tây. Thiền sư mất mẹ nên được cài hoa cẩm chướng màu trắng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh thấy việc cài hoa trên ngực áo để tưởng nhớ mẹ mang ý nghĩa rất hay nên đã áp dụng nghi thức bông hồng cài áo vào ngày lễ Vu Lan. Sau đó, nhiều chùa ở Việt Nam tổ chức nghi thức này cho phật tử trong ngày Vu Lan báo hiếu. Đến nay, nghi thức đã trở thành truyền thống tốt đẹp của phật tử Việt Nam.
Duy Phạm