Chiều 29/11, talkshow "Việc nhà của ai?", một hoạt động thuộc dự án "Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam” được Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) tài trợ, đã diễn ra nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (15/11-15/12/2023).
Talkshow có sự hiện diện của ông Đào Ngọc Ninh, Phó viện trưởng Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA); bà Tráng Thị Nguyên, Trợ lý Dự án Thanh niên và Bình đẳng giới; TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện CNTT, Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Talkshow có sự tham gia của 3 khách mời: NCS. Nguyễn Lan – Giảng viên khoa Giới và phát triển; hai cựu sinh viên khoa Giới và phát triển: Đặng Thanh Tùng và Trần Vũ Quân. |
Phát biểu tại chương trình, TS. Nguyễn Đức Toàn cho biết, để các thái độ và hành vi mới về giới gắn với thực hành, mọi người cần được thông tin và truyền cảm hứng, áp dụng các hành vi mới nhiều lần và được ghi nhận cho những đóng góp của họ cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
"Hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam không thể giúp người dân thay đổi quan niệm về bình đẳng giới ngay trong một sớm một chiều, do vậy bản thân mỗi người cần tự ý thức về những suy nghĩ, hành vi hướng tới cân bằng giới. Viện CNTT hy vọng rằng, với sự hỗ trợ của CISDOMA, ngày càng có nhiều chương trình, hoạt động phong phú, đa dạng giúp sinh viên, thanh niên có cơ hội sẻ chia những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới đến cộng đồng xã hội", TS. Toàn nói.
Đông đảo sinh viên tham gia talkshow. |
Chia sẻ tại buổi giao lưu, các khách mời đã cùng nhau nêu quan điểm của mình về vấn đề sẻ chia việc nhà trên quan điểm bình đẳng giới.
"Làm việc nhà không chỉ giúp mỗi thành viên trong gia đình gắn kết hơn mà còn hình thành nếp văn hóa gia đình, giáo dục các thành viên cùng có trách nhiệm trong việc sẻ chia những công việc thường ngày. Mỗi sự san sẻ, mỗi hành động cộng hưởng cùng giải quyết những việc dù nhỏ hay lớn đều thể hiện sự yêu thương, quan tâm và bình đẳng. Đây chính là nền tảng vững chắc hình thành gia đình hạnh phúc điểm tô thêm sắc màu vào bức tranh hạnh phúc của toàn xã hội", NCS Nguyễn Lan chia sẻ.
Cũng tại chương trình, các bạn sinh viên bày tỏ những quan điểm, suy nghĩ của mình về vấn đề làm việc nhà. Hầu hết các bạn đều cho rằng, công việc nhà cần được chia sẻ để cả hai phái nam và nữ cùng thực hiện. Thậm chí, một số bạn nam cho rằng, với lợi thế về sức khỏe, các bạn sẵn sàng gánh vác hết công việc nhà để những người phụ nữ trong gia đình có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, sức khỏe cho bản thân.
Khách mời chia sẻ quan điểm về vấn đề làm việc nhà trên tác phẩm của nhóm dự án. |
Ông Đào Ngọc Ninh, Phó viện trưởng Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) ghi nhận, dự án Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam năm 2023 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ trong đó có sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam.
"Talkshow: "Việc nhà của ai?" là một minh chứng cho sự tham gia nhiệt tình, cách làm sáng tạo, tâm huyết của các bạn trẻ. Hy vọng các bạn sẽ tiếp tục đã đồng hành với CISDOMA trên hành trình lan tỏa thông điệp thúc đẩy bình đẳng giới đến toàn xã hội", ông Ninh nói.
Theo Báo cáo "Giới và thị trường lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu điều tra lao động - việc làm" được Tổ chức lao động thế giới (ILO) công bố tháng 3/2021 cũng chỉ ra: Những công việc như dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình… trung bình chiếm đến 20,2 giờ/tuần của phụ nữ Việt Nam. Số liệu trên cho thấy sự mất cân bằng trong vấn đề sẻ chia việc nhà và vai trò của thanh niên, những người trẻ sắp, đang và sẽ bước vào cuộc sống hôn nhân là rất quan trọng.