Huyền bí phong tục nhảy lửa của người Dao đỏ ở Hà Giang
TPO - Lễ nhảy lửa (Nhìang chàng đao) là một phong tục mang đậm bản sắc văn hóa của người Dao đỏ, thể hiện sức mạnh và ước muốn chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. Đây là nét sinh hoạt tinh thần hết sức phong phú và độc đáo của dân tộc Dao đỏ.
|
Đây là một nghi thức kế tục của nghi lễ cúng Bàn Vương. Người Dao (ngành Dao đỏ) thực hiện lễ Nhảy lửa với mong cầu các thần linh phù hộ, bảo vệ gia đình, dòng tộc, bản làng được bình an, thịnh vượng, mừng mùa màng bội thu. Bên cạnh đó lễ Nhảy lửa còn mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, bệnh tật, những đen đủi của năm cũ, cầu mong cuộc sống được ấm no hạnh phúc khi bước vào một năm mới. Lễ Nhảy lửa còn thể hiện sức mạnh của con người trong quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên, chống lại thú dữ phá hoại mùa màng. |
|
Lễ Nhảy lửa ra đời, lưu truyền và trở thành nghi lễ truyền thống không thể thiếu của mỗi dòng họ trong cộng đồng dân tộc Dao (ngành Dao đỏ). Vào dịp đầu năm, tùy vào điều kiện của mỗi dòng họ, lễ Nhảy lửa sẽ được tổ chức mỗi năm một lần hoặc hai đến ba năm một lần hoặc nhiều hơn tùy điều kiện của từng dòng họ. Lễ thường được tổ chức để mừng vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc đồng thời xua đuổi tà ma, những điều xấu, những điều xui xẻo của năm cũ, cầu thần Lửa mang lại sự ấm áp, bình an, sức khoẻ dồi dào cầu phúc, cầu may, cầu cho cây trái sai hoa và cầu các vị thần linh phù hộ cho dòng tộc và dân bản an khang thịnh vượng con cháu không bị ốm đau bệnh tật. |
|
Thầy cúng có uy tín tại làng làm lễ trước khi nhảy lửa. |
|
Khi đống củi rừng rực bốc cháy, thầy cúng xin quẻ âm dương. Được thần lửa đồng ý, thầy cúng sẽ ban phép cho những chàng trai tham gia nhảy lửa. |
|
Trước khi tham gia nhảy lửa, người được chọn phải giữ cơ thể sạch sẽ. Đặc biệt, nam giới không được ở gần vợ, kiêng quan hệ ít nhất 3 ngày. |
|
Sau khi được làm phép, các chàng trai chân nhảy theo nhịp cùng tiến về đống than đỏ rực. |
|
Những chàng trai như trong cơn mê. Họ nhảy múa với đôi chân trần của mình trong đống than lửa mà không hề có cảm giác rát bỏng hay sợ hãi. |
|
Hình ảnh những chàng trai người Dao đỏ nhảy múa với đôi chân trần trong đống than lửa và dùng tay hất tung than lửa ra tứ hướng, tạo nên khung cảnh huyền hoặc trong đêm. |
|
Qua lễ nhảy lửa, các chàng trai dân tộc Dao muốn chứng minh cho sức mạnh, lòng dũng cảm đương đầu với những khó khăn, nguy hiểm trong quá trình lao động sản xuất và chế ngự thiên nhiên. Nhảy lửa không chỉ là ngày vui của bản làng người Dao, mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống qua nhiều thế hệ. |
|
Những chàng trai sau khi tham gia Lễ hội Nhảy lửa luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ và tình cảm yêu mến của các cô gái Dao. Bởi người Dao đỏ quan niệm, nhảy lửa thể hiện sức mạnh, sự gan dạ, lòng dũng cảm, khéo léo, nhanh nhẹn của người đàn ông. |
|
Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó trở về làm lễ tại bàn thờ. Hết tốp này đến tốp khác, cho đến khi đống lửa tàn hẳn mới thôi. |
|
Lễ nhảy lửa cũng là dịp để dân làng tạ ơn trời đất, thần linh đã cho một mùa vụ tươi tốt, mang lại sự ấm áp, may mắn; đồng thời đây cũng là dịp xua đi những đen đủi của năm cũ, xua đuổi tà ma, bệnh tật, cầu mong mưa thuận, gió hoà, cuộc sống no ấm, dân bản khỏe mạnh trong năm tới. Đó là cơ sở tâm linh để củng cố niềm tin, tạo mối liên hệ thiêng liêng giữa các thành viên trong cộng đồng, giữa con người với con người, với thần linh... và đây cũng là dịp để mọi người cùng gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, thưởng thức các làn điệu dân ca độc đáo của dân tộc mình. Lễ hội Nhảy lửa là di sản văn hóa phi vật thể có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng của người Dao đỏ |
Duy Phạm