Gặp nữ chủ tịch xã 9x năng động ở Lào Cai

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những năm gần đây, cán bộ trẻ, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số luôn được huyện Bảo Yên (Lào Cai) quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Họ luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và có những người đã đạt được thành công trong sự nghiệp khi tuổi đời còn khá trẻ. Chị Sùng Thị Sua, sinh năm 1990, chủ tịch UBND xã Minh Tân là một trong số đó.

Sùng Thị Sua, chủ tịch UBND xã Minh Tân, là nữ cán bộ lãnh đạo người dân tộc thiểu số trẻ nhất huyện Bảo Yên (Lào Cai).

Sua là người dân tộc Mông, tốt nghiệp chuyên nghành sư phạm kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên năm 2013. Sau khi được tuyển vào làm ở một công ty, thấy không phù hợp, chị viết đơn xin nghỉ và trở về địa phương công tác.

Gặp nữ chủ tịch xã 9x năng động ở Lào Cai ảnh 1

Sùng Thị Sua, chủ tịch UBND xã Minh Tân, nữ cán bộ lãnh đạo người dân tộc thiểu số trẻ nhất huyện Bảo Yên (ngoài cùng bên trái).

Gần 10 năm qua, Sua đã trải qua nhiều cương vị khác nhau từ cán bộ hợp đồng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Bí thư Đoàn thanh niên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Điện Quan (Bảo Yên) và làm Chủ tịch UBND xã Minh Tân từ tháng 6/2022.

Chúng tôi có dịp gặp Sua trong một chuyến công tác tại xã Điện Quan (Bảo Yên) đầu năm 2018. Khi đó, Sua là Bí thư Đoàn thanh niên xã, nhiệt huyết, đầy sáng tạo. Sua là người đề xuất “Xây dựng nhà nhân ái” - công trình thanh niên cấp huyện để giúp đỡ bà Hà Thị Bốn (86 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cưu mang 2 cháu nhỏ.

Tuy nhiên, khi vào thực hiện gặp khó khăn trong việc triệu tập đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ ngày công xây nhà bởi đa số thanh niên ở địa phương đi làm ăn xa. Thêm nữa, con đường dẫn vào nhà bà Bốn chưa có cầu nên việc vận chuyển vật liệu xây dựng trên đường đất rất vất vả, rất cần lực lượng vận chuyển. Đặc biệt, kinh phí mua vật liệu còn thiếu…

Lúc đó, Sua mạnh dạn đưa kế hoạch kêu gọi ủng hộ cho hộ qua thư gửi trực tiếp đến các cơ quan đơn vị. Đáng chú ý, thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook), Sua gửi lời kêu gọi các CLB thiện nguyện, các mạnh thường quân tham gia ủng hộ. Bản thân chị hằng ngày trực tiếp đi cơ sở, tuyên truyền về tinh thần “tương thân tương ái”, “uống nước nhớ nguồn” để thu hút, tập hợp thanh niên tham gia. Hàng ngày, Sua phân công lịch hỗ trợ ngày công của các chi đoàn và cùng tham gia. Kết thúc công việc của mỗi ngày, chị công khai các nguồn ủng hộ, số tiền chi cho công tác xây dựng, hỗ trợ.

Gặp nữ chủ tịch xã 9x năng động ở Lào Cai ảnh 2

Tham gia các hoạt động cùng người dân

Cuối cùng, Sua đã huy động nguồn kinh phí từ các cá nhân, tổ chức, hội từ thiện được 87 triệu đồng. Huy động nhân lực là thanh niên, người địa phương, trong đó Sua đã tập hợp thanh niên dân tộc trong bản (với 18/18 chi đoàn) bắt tay vào xây dựng công trình. Sau hơn 2 tháng thực hiện với 76 ngày công tự nguyện, ngôi nhà đã hoàn thành. Hoạt động của chị Sua cùng đoàn viên xã Điện Quan đã tạo sức lan tỏa lớn và được đánh giá cao.

Chia sẻ về điều khó khăn nhất thời điểm đó, Sua bảo, đó là việc tập hợp đoàn kết đoàn viên thanh niên, vì địa bàn rộng, các hộ sống rải rác, trình độ dân trí không đồng đều. Xã Điện Quan có 11 dân tộc chung sống nên phong tục tập quán cũng khác nhau. Trong khi đó, thời điểm 2017-2019, phần lớn đoàn viên thanh niên đi làm ăn xa.

Gặp nữ chủ tịch xã 9x năng động ở Lào Cai ảnh 3

Sua tham gia công tác Đoàn

“Lúc đó, tôi trực tiếp đi cơ sở, dự các buổi sinh hoạt Chi đoàn (từ thôn bản, đến trường học) từ đó nắm tâm tư nguyện vọng của họ rồi xây dựng chương trình hoạt động, kế hoạch phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời, tôi chủ động kết nối tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên; xây dựng các phương án, mô hình phát triển kinh tế tại địa phương, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tổ chức giải ngân cho họ”, Sua cho biết.

Hỏi việc vì sao viết đơn từ bỏ công việc ở công ty về địa phương, Sua bảo rằng, bản thân là người dân tộc Mông, lại sinh ra tại vùng đất đặc biệt khó khăn, thấu hiểu hoàn cảnh của người dân nên học xong là đau đáu về góp sức, cống hiến xây dựng quê hương.

Hiện nay, với cương vị là chủ tịch UBND xã Minh Tân, chị Sua cho biết, sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác đoàn kết các dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, đặc biệt là công tác phát triển kinh tế địa phương. Xã Minh Tân được nhiều người biết đến là vùng đất trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ nổi tiếng nhất trong tỉnh Lào Cai. Với hương vị đậm đà, vị ngọt đặc trưng, thanh long ruột đỏ của Minh Tân đem lại thu nhập cao, được người dân xác định là cây trồng xóa nghèo tại địa phương.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Ủy ban Dân tộc chúc tết Chôl Chnăm Thmây

Ủy ban Dân tộc chúc tết Chôl Chnăm Thmây

Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2024 của đồng bào Khmer, Ủy ban Dân tộc tổ chức các Đoàn công tác đi chúc Tết tại các tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh… và một số địa phương); thăm, chúc mừng đồng bào Khmer và tặng quà người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là dân tộc Khmer.
Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

TPO - Tối 26/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X năm 2023. Chia sẻ sau lễ tuyên dương, các em học sinh, sinh viên DTTS đã bày tỏ nguyện vọng, mong muốn sẽ được tạo nhiều cơ hội hơn nữa để lan tỏa bản sắc văn hoá dân tộc. 
Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

TPO - Sáng 27/11, rất đông các bạn trẻ đồng bào Khmer là Phật tử tại TPHCM đã tề tựu về chùa Long Hoa Thiên Bảo (TP Thủ Đức) để tham gia đại lễ Kathina (hay còn gọi là lễ dâng y). Đây cũng là hoạt động báo hiệu kết thúc ba tháng mùa an cư kiết hạ của các chư tăng, chư ni Phật giáo.