Đuổi dịch ở buôn làng: Ngỡ ngàng và thích ứng

0:00 / 0:00
0:00
Nhu yếu phẩm được tình nguyện viên đưa đến nhà người dân
Nhu yếu phẩm được tình nguyện viên đưa đến nhà người dân
TP - Huyện Krông Búk đang là tâm dịch của tỉnh Đắk Lắk. Nhiều ổ dịch xuất hiện tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số với hàng trăm ca mắc trong cộng đồng. Bên cạnh các “chiến sĩ áo trắng” còn có những cán bộ cơ sở chung lưng đấu cật cùng họ vừa chống dịch vừa chăm lo an sinh cho người dân ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.

Ứng biến

5 giờ sáng, trời vẫn nhá nhem tối, anh Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Cư Né và ông Y Oanh Niê, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã lục đục dậy nấu nước pha mì tôm. Sau khi ăn nhẵn bát mì, hai anh mặc đồ bảo hộ, cùng nhau mò mẫm trên con đường đất đỏ sau mưa trơn như mỡ.

Ở buôn làng sâu hun hút này, thường ngày giờ này náo nhiệt và sôi động bởi nhịp sống tất bật với nương rẫy của hơn 440 hộ dân. Nhưng, khi bóng ma COVID bao trùm giờ đây, buôn im lìm, cửa đóng then cài. “440 hộ dân ở buôn Drao và Ktơng Drun, thì 99,8 % là dân tộc Êđê, nhiều người không biết chữ và không nói được tiếng Kinh. Chính quyền địa phương xã Cư Né đã thành lập đội hình tình nguyện gồm, đoàn viên thanh niên và đoàn thể của thôn, buôn thực hiện “3 tại chỗ” luôn”, ông Thịnh cho biết.

Thập thò phía sau cánh cửa, đôi mắt tròn xoe, mấy đứa trẻ Êđê chăm chú nhìn, rồi đóng sập cửa. 2 vợ chồng bước ra. Chị H’Sinh nói tiếng Kinh lơ lớ: “Chúng tôi thực hiện 5K như lời cán bộ. Giờ đang cách ly nên ở nhà thôi, không sang nhà hàng xóm đâu”. Anh Thịnh thông báo và hướng dẫn ngày mai ra nhà cộng đồng buôn test nhanh COVID, đôi mắt người phụ nữ Êđê lơ đễnh nhìn ra phía xa. Sau một lúc được giải thích cặn kẽ và động viên thì vợ chồng chị vui vẻ đồng ý.

Đuổi dịch ở buôn làng: Ngỡ ngàng và thích ứng ảnh 1

Những chiến binh áo xanh gánh luôn việc chăm gia súc, gia cầm

Mở cửa ngôi nhà sàn nhỏ giữa buôn, tiếng trẻ con khóc ré lên vì khát sữa. Được biết, em bé người Êđê mới sinh được 2 tháng con của bà H Sê La Niê. Bà H Sê La xét nghiệm dương tính, đã đi cách ly, bố thì bỏ đi. Giờ em được giao cho họ hàng và đội hình tình nguyện chăm sóc. “Hiện có 6 cháu, nhỏ nhất 2 tháng tuổi, lớn nhất 3 tuổi đang nhờ một số chị trong buôn có kinh nghiệm chăm sóc, nuôi hộ. Đồ ăn, sữa và nhu yếu phẩm được đội hình tình nguyện cung ứng”, ông Thịnh cho biết.

Đến được ngôi nhà cuối cùng trong buôn đã hơn 10 giờ đêm. Anh Thịnh trải lòng: “Đồng bào nơi đây họ có mối quan hệ cộng đồng gắn bó khăng khít nên công tác vận động rất quan trọng. Bà con đã hiểu mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch”.

Ngồi nghỉ trước hiên nhà anh Thịnh nói: “Hàng trăm suất quà được tập kết, ngày mai phụ anh em trao. Một số hộ dân có sầu riêng già nên nhờ bán. Đợt rồi, chúng tôi liên kết với các công ty để họ mua theo giá thị trường. Cả xã này, hằng năm sản lượng sầu riêng cả nghìn tấn, cũng là nguồn thu chính của họ”.

Sau câu hỏi thăm động viên vợ con vội qua điện thoại, ánh mắt anh Thịnh xa xăm. Hôm rồi đi qua nhà, 2 đứa con vẫy tay từ xa kèm câu nhắn gửi, bố sớm về với con nhé. Vợ bảo, nhà hơn tấn bắp không thu được, mọc mầm ngoài rẫy hết. Nhưng bây giờ, lo cho bà con trước đã, còn bắp của nhà năm nay không thu được sang năm trồng thu bù. Chỉ cần dịch ổn mọi việc sẽ ổn.

Áo xanh miền đất đỏ

Luồn lách qua rẫy cà phê, vác từng bó cỏ từ dưới suối lên bờ anh Lê Văn Tú, Bí thư chi đoàn buôn Mùi nói, hai ngày một lần tôi và các bạn thay nhau đi cắt cỏ, chặt chuối về cho gia súc trong buôn ăn.

Anh Y Phi Kpă, Bí thư Đoàn xã Cư Né chia sẻ, ngay khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã phức tạp, đội tình nguyện xung kích do anh phụ trách gồm 8 người tiếp nhận mua nhu yếu phẩm giúp bà con qua số điện thoại và các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo…và giao đến tận nhà. Cuộc sống bà con nơi đây gắn bó với sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Khi dịch bệnh đến quá nhanh, người dân chưa kịp chuẩn bị về tinh thần và vật chất, để bà con yên tâm cách ly, các tình nguyện viên sẽ tổng hợp các đơn xay lúa, đến các buôn khảo sát những hộ gia đình có bò, heo, dê, để phân công các thành viên đi cắt lá, chặt chuối cung ứng thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Con nhỏ mới 17 tháng tuổi gửi cho ông bà chăm sóc, chị H’Ly Kpă (Phó Bí thư Đoàn xã Cư Né) là thành viên nữ duy nhất trong đội hình xung kích. Không kể nắng mưa, hằng ngày chị đi đến từng nhà dân để hỗ trợ. Chị trải lòng: “Thời điểm này, việc giao hàng, vận chuyển thức ăn chăn nuôi rất khó khăn, vì trời mưa dầm. Tôi cùng các đồng đội luôn động viên nhau cùng cố gắng hết mình.”

Theo anh Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Cư Né, hiện xã có gần 300 ca mắc COVID-19. Chủ yếu ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó 2 buôn Drao và Ktơng Drun 229 ca. Những ngày này, đội hình tình nguyện “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con tham gia lấy mẫu xét nghiệm để bóc tách F0 nhằm xóa vùng đỏ thiết lập vùng xanh.

Sau một ngày dài, một số tình nguyện viên chia nhau về tại điểm chốt ở hai buôn nghỉ ngơi. Nhiều hôm mưa gió mạnh, thổi tốc hết mái lán trực. Anh em phải lọ mọ trắng đêm dựng lại, vừa mệt vừa lạnh. Nơi đây, họ phải dằn lòng nỗi nhớ nhà, thương con để tập trung chiến đấu chống dịch. Gia đình vẫn luôn là điểm tựa vững chắc của họ, là động lực để họ vượt qua bộn bề khó khăn vất vả.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

TPO - Tối 26/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X năm 2023. Chia sẻ sau lễ tuyên dương, các em học sinh, sinh viên DTTS đã bày tỏ nguyện vọng, mong muốn sẽ được tạo nhiều cơ hội hơn nữa để lan tỏa bản sắc văn hoá dân tộc. 
Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

TPO - Sáng 27/11, rất đông các bạn trẻ đồng bào Khmer là Phật tử tại TPHCM đã tề tựu về chùa Long Hoa Thiên Bảo (TP Thủ Đức) để tham gia đại lễ Kathina (hay còn gọi là lễ dâng y). Đây cũng là hoạt động báo hiệu kết thúc ba tháng mùa an cư kiết hạ của các chư tăng, chư ni Phật giáo.
Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

TPO - Nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú và cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 25 km là làng Thèn Pả. Du khách đến đây sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên yên bình với những nếp nhà trình tường lợp ngói âm dương, vách đất vàng nâu, hàng rào đá, ruộng ngô… và những người dân mến khách.