Hàng cây trang bên suối Tà Má thu hút khách đến tham quan du lịch dịp nở hoa. Ảnh: Trương Định |
Suối Tà Má là một thắng cảnh, một “dải lụa” tuyệt đẹp nhưng bị ngủ quên trong khu rừng bấy lâu nay. Nằm cách trung tâm thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) khoảng chừng 7km, suối Tà Má có nguồn nước trong mát chảy quanh năm. Cư dân nơi đây chủ yếu là người Bana. Họ gìn giữ dòng suối và hàng cây trang rừng nơi đây từ bao đời nay. Khoảng vào tháng 3 hằng năm, hàng cây trang bắt đầu nở hoa, khoe sắc. Gần đây, suối Tà Má được biết đến như một điểm du lịch xanh mới của tỉnh Bình Định. Để tạo điều kiện phục vụ đi lại cho người dân, đồng thời kết nối vào du lịch suối Tà Má, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đầu tư xây dựng đường tại đây.
Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, tuyến đường khởi công xây dựng vào tháng 3 và hoàn thành vào đầu tháng 9 năm nay. Kinh phí đầu tư khoảng 9 tỷ đồng, với chiều dài khoảng 2,5km, bề rộng nền đường 6,5m. Quá trình triển khai rất được người dân đồng tình ủng hộ.
Về Hà Ri những ngày này, chúng tôi ghi nhận không khí tất bật, rộn ràng của đồng bào Bana từ khi có con đường mới. Những hàng rào, bờ tường sau khi được người dân phá bỏ để hiến đất mở rộng và nâng cấp đường vào điểm du lịch suối Tà Má, nay cũng đã được người dân xây dựng mới, chỉnh trang lại. Ông Đinh Thìn, Bí thư Chi bộ thôn Hà Ri chia sẻ, sau khi có chủ trương sẽ bê tông hóa mở rộng con đường từ đầu thôn cho đến khu vực suối Tà Má, các cấp ngành, địa phương nhiều lần đến tận thôn bàn họp, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con.
“Có 56 hộ bị ảnh hưởng từ việc mở rộng đường giao thông vào khu vực suối Tà Má. Bà con đã tự nguyện phá bỏ hàng rào, bờ tường, cổng ngõ hiến phần đất này để làm đường mà không cần đền bù. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình trong đó có đảng viên, người uy tín đi đầu trong hiến đất làm đường. Đơn cử như già làng Đinh H'Nơn hiến 50m2, ông Đinh Liếp, Trưởng Ban mặt trận thôn hiến khoảng 70m2...”, ông Thìn cho biết.
Theo ông Thìn, thôn Hà Ri có 99% người Bana sinh sống, trong đó có số ít là người Dao, công việc chủ yếu làm nông và nương rẫy. “Từ ngày có con đường mới người dân của thôn rất phấn khởi nhất là trong việc đi lại. Bản thân tôi cũng thấy rất vui mừng. Những ngày cuối tuần nhiều gia đình từ thị trấn, huyện cũng rủ nhau về suối Tà Má để du lịch, vui chơi, không khí rất nhộn nhịp”, ông Thìn chia sẻ.