Dân tộc Si La là một trong những dân tộc thiểu số ít người cư trú ở miền núi phía Tây Bắc và chỉ sinh sống ở hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Ở Điện Biên người Si La sống tập trung duy nhất ở bản Nậm Sin xã Chung Chải, huyện Mường Nhé.
Bản Nậm Sin cách trung tâm xã Chung Chải khoảng 16km. Người Si La ở đây có dân số ít (gần 50 hộ) nhưng lại có một nền văn hóa khá phong phú và mang tính đặc trưng văn hóa riêng.
Cứ vào cuối tháng giêng âm lịch hàng năm người Si La ở Điện Biên lại tổ chức lễ cúng bản, trước khi bắt đầu vào vụ mùa mới. Theo quan niệm người Si La, tổ chức lễ cúng bản là để cầu xin các vị thần linh, đất trời phù hộ cho dân bản hoa màu tốt tươi, mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, chăn nuôi phát triển đầy đàn, qua đó tạo khí thế và hy vọng vào năm mới, cuộc sống sẽ ấm no, tốt đẹp hơn…
Trước khi tổ chức cúng bản, những người có trách nhiệm như già làng, trưởng bản, đại diện các đoàn thể sẽ tổ chức buổi họp toàn thể dân bản để cùng nhau bàn bạc và đi đến thống nhất trong việc chọn ngày giờ làm lễ cúng bản.
Vào giờ tốt, ngày đẹp đã định, thầy cúng (chủ lễ) và người dân sẽ tập trung dựng cổng cấm ở vị trí cửa ngõ con đường vào bản.
Hoàn tất quá trình dựng cổng cấm, thầy cúng hướng dẫn mọi người thực hiện các nghi thức tượng trưng, nhằm ngăn chặn các tai họa, xui xẻo xâm nhập vào bản làng.
Trước hết, thầy cúng sẽ đọc lời khấn mời các vị thần núi, rừng, sông, suối… về hưởng lễ vật. Sau đó, mọi người mới khấn nguyện, cầu mong các đấng thần linh phù hộ cho dân bản có sức khỏe, bản làng được bình yên, đoàn kết, làm ăn may mắn, nương rẫy cho mùa màng bội thu, ao suối có nhiều cá, chuồng trại có nhiều gia súc, gia cầm.
Trong lễ cúng bản, người Si La chỉ cúng đồ sống, không cúng đồ chín. Vì vậy, sau lễ cúng, người ta hạ lễ đem đi nấu nướng rồi rải lá chuối, bày đồ lễ đã được nấu chín (lộc của thần linh) để đại diện các gia đình cùng chủ cổng, thầy mo cùng thụ hưởng. Bữa tiệc cộng đồng kéo dài đến khi mặt trời xế bóng.
Người Si La xưa cấm bản 3 ngày 3 đêm (nay chỉ kiêng 1 ngày 1 đêm). Trong thời gian đó, người ta không cho ai ra vào, không chửi bới, không nói to, không kêu la khóc lóc, không đàn sáo hát hò, không nhảy múa, không khâu vá, không tắm gội, không quan hệ trai gái. Tất cả dân bản dừng mọi công việc, chỉ uống rượu và nói chuyện vui.
Nghi lễ này đánh dấu sự khởi đầu cho một năm lao động sản xuất nông nghiệp của người Si La. Vào ngày mới sau khi tổ chức xong lễ cúng bản, người dân Si La bắt đầu lao động sản xuất.
Nghi lễ cúng bản thể hiện tính cố kết cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Đây là một nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn, phát huy.