Dịch COVID-19 ở Đắk Lắk đang rất phức tạp. Đến nay toàn tỉnh ghi nhận trên 3.000 ca bệnh. Tỷ lệ người DTTS mắc COVID-19 chiếm hơn 60% trên tổng số ca bệnh của tỉnh.
Trung tá Nguyễn Trần Tuấn, Trưởng Công an huyện Krông Búk cho hay, phong tục, tập quán của người Êđê mang tính cộng đồng rất cao. Khi buôn làng bùng phát dịch, cán bộ, chiến sĩ công an huyện phối hợp các đơn vị cơ sở đến tận nhà, nhờ già làng, người có uy tín cùng tuyên truyền, vận động bà con ở yên trong nhà, tuân thủ nghiêm quy tắc 5K.
Hội nông dân xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) chuẩn bị nhu yếu phẩm tặng người dân vùng phong tỏa. Ảnh: B.Nam |
Để thuận tiện di chuyển giữa các thôn, buôn vùng sâu, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Krông Búk dùng những chiếc máy cày mà người dân lên rẫy tiếp tế lương thực, để tuyên truyền chống dịch.
Bà H’Yao Knul, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho hay, đơn vị đã chỉ đạo, triển khai đa dạng các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trong vùng DTTS từ cấp tỉnh đến tận buôn làng.
Đoàn thanh niên xã Ea Sô (huyện Ea Kar) phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống COVID-19 |
Ban Dân tộc Đắk Lắk phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh sản xuất nội dung phòng chống dịch COVID-19 trong vùng DTTS bằng 3 thứ tiếng Việt - Êđê - M’nông; đồng thời, cung cấp sản phẩm truyền hình, phát thanh xuống cấp cơ sở; vận động hơn 1.000 người uy tín trở thành “đầu tàu” tuyên truyền, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân chấp hành nghiêm quy định chống dịch.
Bà H’Yao Knul cho biết thêm, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca F0 là người DTTS tăng nhanh. Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ thực phẩm, đề xuất Ủy ban Dân tộc hỗ trợ 101 ca F0 là người DTTS với tổng kinh phí 202 triệu đồng.
Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk khảo sát thực tế công tác phòng chống dịch ở huyện Krông Ana |
Ông Lê Văn Cường, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đánh giá, các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống các dịch bệnh, nhất là COVID-19. Nhiều cơ sở không trông chờ, linh hoạt huy động kinh phí mua loa di động, loa phóng thanh đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong kinh phí đầu tư mua sắm, duy tu, bảo dưỡng các trang thiết thị hệ thống âm thanh, loa, đài phục vụ truyền thông. Ban Dân tộc đã đề xuất Thường trực HĐND tỉnh có cơ chế chính sách đầu tư hạ tầng truyền thanh cơ sở, nhất là tại địa phương có đông người DTTS.