Kể chuyện người Dao trên TikTok triệu view
Một năm trước, ra mắt tự truyện “Đường ngược chiều - Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus”, Chảo Thị Yến được cộng đồng biết đến là cô gái người Dao Tuyển (quê Nậm Chạc, Bát Xát, Lào Cai) vượt qua định kiến, chọn con đường học hành.
Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, năm 2016 đoạt học bổng Erasmus, Yến bắt đầu khóa học Thạc sĩ tại châu Âu. Về nước, mục tiêu của Chảo Thị Yến là có kinh tế bền vững, góp sức giúp cải thiện kinh tế cộng đồng.
Chảo Yến trong tiểu phẩm hài trên kênh TikTok nói về những hiểu lầm giữa người ở phố với người ở bản |
Hơn một tháng trước, Cô gái “ngược chiều” bất ngờ xuất hiện trên TikTok với những video hài hước về văn hóa nếp sống của người Dao nói chung và người Dao Tuyển nói riêng. Loạt video nói về những hiểu lầm của người miền xuôi về người miền núi nhận được nhiều lượt thích (like) và biểu tượng trái tim.
Yến chia sẻ: “Tôi vốn không thích ứng dụng TikTok nhưng nhận thấy số lượng người trẻ miền xuôi và cả vùng cao sử dụng nhiều nên tôi chuyển sang tương tác cùng họ qua TikTok”. Chọn cách xuất hiện hài hước, Yến cho rằng “mình nhìn bản thân một cách hài hước thì lan tỏa thông tin, thông điệp hiệu quả hơn”.
Hiện tại Yến đã làm 72 video trên TikTok, trong đó có 23 video cắt từ những chương trình Yến từng tham gia, 48 video tự dựng. Trong chủ đề “Những điều thú vị người Dao Tuyển làm”, video “Gọi gió”, “Tìm trâu”, “Ru gà”… có lượt view (người xem) tăng vọt. Trong video “Gọi gió” 1,2 triệu view, Yến đứng ở một bãi đất trống, huýt gió vài lần, quả nhiên gió về bay tung tóc.
Chuỗi video chủ đề “Chú xe ôm và mẹ tôi”, Yến tự đóng vai chú xe ôm và vai mẹ rồi ghép hình. Hơn một lần Chảo Yến thông qua tiểu phẩm hài lý giải cách nói chuyện xưng hô bị cho là cộc lốc của người Dao.
“Tiếng dân tộc Dao bọn mình giống trong tiếng Anh và tiếng Trung, với ngôi thứ nhất và ngôi thứ 3 số ít chỉ có I và You - tiếng Dao là “yả” và “mầy”. Nhưng kể cả trong phim điện ảnh từ xưa (và cả chính người trong cộng đồng) đến bây giờ vẫn mặc định “dịch” đối thoại ngôi thứ của người dân tộc miền núi thành Mày-Tao.
“Thực ra, khi bắt đầu trò chuyện chúng mình đã gọi đúng vai vế của người đấy trước rồi, ví dụ như: bố ơi, mẹ ơi, chú ơi… rồi mới xưng hô giống như I và You”.
Điều thú vị mà khán giả chưa biết là loạt video triệu views được tác giả sản xuất không phải ở quê nhà Lào Cai. Bốn tháng vừa qua Yến tham gia Dự án về Nông nghiệp bền vững của một tổ chức của Hà Lan tại Đà Lạt. Buổi chiều xong công việc, cô ra sau nhà diễn và dựng. “Thực tế là quay tại Đà Lạt nhưng ghép cảnh núi non Tây Bắc vào”. Sắp tới Yến định làm thêm chủ đề du học sinh về nước, cách học tiếng Anh… “Mục đích tôi làm các video này để người trẻ dân tộc thiểu số tự tin hơn, tự hào, yêu hơn văn hóa dân tộc mình và đừng bỏ học sớm”, thạc sĩ lâm nghiệp chia sẻ.
Săn mây online
Từ khi còn là sinh viên năm cuối Khoa Quốc tế, Đại học Hà Nội, Vũ Ngọc Hướng đã được biết đến là chủ nhân của kênh Youtube “Hướng Giáy Sa Pa”. Tốt nghiệp đại học, cô gái sinh năm 1999 trở về quê ở xã Tả Van (Sa Pa, Lào Cai) mở homestay gia đình, tiếp tục sản xuất video quảng bá văn hóa thắng cảnh Sa Pa, cùng cộng đồng tìm hướng đi mới để phát triển du lịch. Trong thời gian dịch COVID - 19 hoành hành, mọi dịch vụ đóng cửa, giữa tháng 7 vừa qua Hướng chuyển sang mở tour Du lịch Sa Pa online (qua mạng).
Với chiếc điện thoại thông minh trong tay, Ngọc Hướng dẫn khách đoàn, khách lẻ đi đến những địa điểm độc lạ chỉ người bản địa mới biết. Hiện tại Hướng đã thực hiện được 7 chuyến khám phá Sa Pa và 5 lần livestream (phát hình trực tiếp). Chuyến tham quan qua mạng ngắm mùa lúa chín tháng 8 vừa qua hút khách nhất. Điểm khác biệt so với du lịch trực tiếp là khách được tương tác trực tiếp với người địa phương.
Qua kênh Youtube Hướng Giáy Sa Pa và trang web Sapalocal.com (Sa Pa người bản địa), Hướng chỉ chỗ săn mây, ngắm hoàng hôn rung động và vị trí chụp ảnh check-in độc đáo. Qua video và các bài viết của Hướng, Séo Mý Tỷ (rừng Hoàng Liên, xã Tả Van) hiện lên như một chốn bình yên trên mây với hồ nước trong xanh. Trải nghiệm ngắm hoa hái quả theo mùa theo từng cung đường rừng cũng khiến nhiều du khách ngồi nhà đưa Séo Mý Tỷ vào danh sách điểm phải tới sau khi hết giãn cách xã hội.
Hướng kể, đợt mùa lúa chín có tới 100 khách đăng ký, phải chia thành 2 chuyến. Tour theo lịch trình mỗi Chủ nhật cuối tuần có giá 50 nghìn/ người, miễn phí cho sinh viên. Tour theo nhóm 2-10 khách 200-300 nghìn/ người. Tour cá nhân giá 1-2 triệu. Tiền thu được trích ra trả cát-sê cho người địa phương, nghệ nhân tương tác và những bạn trẻ hỗ trợ nhóm.
Hiện tại Hướng vẫn dùng tiền cá nhân và gia đình đầu tư, cô dự định khi thu nhập cao hơn sẽ sắm thiết bị livestream và cục phát sóng chất lượng cao hơn vì “Ở vị trí càng độc lạ, càng hay mất sóng wifi. Nhiều lần khách đang xem thì bị sập nguồn”.
Sắp tới, Hướng dự định phát triển trang Sapalocal.com thêm bản tiếng Anh để cộng đồng đón du khách nước ngoài. Song song đó là việc đào tạo các bạn trẻ trong bản thành hướng dẫn viên cho cả khách Việt và khách quốc tế.