Từ sáng sớm, trong ngôi nhà của ông Lô Xuân Hùng ở bản Piêng Phô, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã rộn rã. Công tác chuẩn bị tiến hành các nghi lễ của tục “Xủ vắn pợ mơ” đã hoàn tất, với đầy đủ các lễ vật mừng dâu mới.
“Mâm lễ vía buộc chỉ cổ tay đón dâu mới phải có vò rượu, hai chiếc cần có buộc sợi chỉ gai, trứng gà luộc, con lợn và một sợi chỉ gai. Khi đón dâu về gia đình nội sẽ tiến hành làm vía buộc chỉ cổ tay, với ý nghĩa cầu mong cho đôi trẻ hạnh phúc, sinh con đẻ cái, cùng chung sống đến đầu bạc, râu dài như sợi chỉ”, ông Hùng chia sẻ.
Buộc chỉ cổ tay cho cô dâu - chú rể người dân tộc Thái ở Nghệ An |
Cũng theo ông Hùng, khi đặt mâm lễ để làm vía “Xủ vắn”, ông mối sẽ lấy quả trứng chia đôi cho hai người ăn, sau đó buộc một sợi chỉ vào cổ tay, tay phải chéo nhau, tay chàng trai ở bên trên, con gái ở dưới. Trứng cũng vậy, trai ăn miếng úp trên, gái ăn miếng úp dưới, sau đó uống rượu cần chung đôi, hai vòi phải chéo nhau, vợ chồng phải uống hết hai sừng rượu, không để vơi mà cũng không để cạn.
“Người đứng ra làm lễ buộc chỉ cổ tay phải là thầy mo có uy tín trong làng. Sau đó, chọn ngày, giờ đẹp rồi mới tiến hành nghi lễ. Đặc biệt, sợi chỉ này khi đã buộc vào cổ tay thì không được tự tháo ra mà phải để cho sợi chỉ đó tự đứt, có như vậy mới giữ được ý nghĩa của lễ buộc chỉ cổ tay”, ông Hùng nói.
Theo quan niệm của người Thái, đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía, khi cùng về chung sống với nhau thì hồn vía cũng được gọi về chung một nhà. Chính vì thế, khác với các lễ buộc chỉ cổ tay để giữ vía cầu an, lễ “Xủ vắn pợ mơ” mang ý nghĩa lớn là cầu hạnh phúc. Trong lễ buộc chỉ cổ tay, anh em, họ hàng bên nội còn có những món quà rất ý nghĩa như: váy, áo, khăn piêu, thắt lưng,… Ai có điều kiện hơn thì mừng vòng kiềng, lắc tay, nhẫn vàng, trâm cài đầu… cho đôi trẻ làm của hồi môn, với mong muốn các con mãi mãi hạnh phúc, đủ đầy.
Bà Cụt Thị Hương, Trưởng phòng văn hóa và thông tin huyện Kỳ Sơn cho biết: “Khi nhà trai cưới con dâu về, họ làm vía buộc chỉ cổ tay, đây là nét đẹp, với ý nghĩa chúc cho vợ chồng xây dựng gia đình hạnh phúc trăm năm, con cái đầy đủ. Ngày nay, thực hiện nếp sống văn hóa mới, nhiều tập quán rườm rà, gây tốn kém trong cưới hỏi hay các tục lệ khác đã được các gia đình rút gọn. Nhưng với các phong tục được xem là nét đẹp, mang ý nghĩa sâu sắc đã ăn sâu vào tiềm thức của dân tộc như tục “Xủ vắn pợ mơ”, buộc chỉ cổ tay, uống rượu chung đôi hay một số sinh hoạt trong đời sống, tâm linh vẫn được đồng bào chú trọng lưu giữ”.