Luôn ấp ủ ước mơ phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương, sau khi tốt nghiệp Luých vào Nam làm thuê đủ nghề. Đến năm 2016, khi có chút vốn, anh quyết định về quê lập nghiệp.
Chàng trai dân tộc tìm tòi, đi học tập kinh nghiệm từ các mô hình nuôi ốc bươu thành công ở các tỉnh khác. Có kinh nghiệm, kỹ năng, Luých bắt đầu thả lứa ốc giống đầu tiên xuống ao. Lần đầu thả nuôi, anh gặp không ít khó khăn khi ốc phát triển chậm, tỷ lệ trứng nở đạt thấp. Không bỏ cuộc, anh tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, tìm nguyên nhân ốc chết.
Ở lần thả nuôi thứ 2, tỷ lệ ốc chết giảm hẳn, tốc độ sinh trưởng khá cao. Để mở rộng quy mô, anh được Huyện Đoàn Nghĩa Đàn hỗ trợ hướng dẫn cho vay nguồn vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Tiếp nhận nguồn vốn, anh đào thêm một số ao để nuôi ốc thương phẩm và ốc giống. Hiện, Luých đã có 7 ao nuôi ốc, là đầu mối cung cấp ốc giống trong và ngoài tỉnh.
Luých cho biết, ốc tuy là loài sống dưới bùn đất nhưng rất ưa sạch. Điều quan trọng nhất phải có nguồn nước sạch, thường xuyên vệ sinh ao, thay nước. Thức ăn chủ yếu là lá khoai, lá sắn,... là những thứ dễ tìm và có thể tự trồng xung quanh ao nuôi, không mất nhiều chi phí. “Thời gian sinh sản của ốc bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 10 âm lịch.
Sau khi ốc sinh sản, cần phải gom trứng về nhà cho ấp để trứng nở từ từ. Thời gian ấp trứng khoảng 20 ngày thì ốc sẽ nở một tổ. Sau đó chỉ cần nuôi từ 3-4 tháng có thể xuất bán”, Luých nói. Với mô hình này, mỗi năm anh “bỏ túi” 200-300 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên tại địa phương.
Anh Võ Đức Tùng - Bí thư Huyện Đoàn Nghĩa Đàn chia sẻ: “Mô hình nuôi ốc bươu đen của Luých là một trong những mô hình thanh niên phát triển kinh tế thành công ở địa phương. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kĩ thuật cho những người có nhu cầu”.