Năm nay, hội đua ghe sông Như Ý diễn ra như thường lệ bên Di tích cấp quốc gia “thượng gia hạ kiều” cầu Ngói Thanh Toàn đã được “nâng cấp” thành Giải đua ghe xã Thủy Thanh lần thứ I - 2023. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Đây là hoạt động chào mừng nhiều sự kiện quan trọng của địa phương nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Giải quy tụ gần 300 người đến từ 9 đội đua, gồm: Vân Thê Thượng, Vân Thê Trung, Vân Thê Nam, Vân Thê Đập, Thanh Toàn, Thanh Tuyền, Thanh Thủy, Lang Xá Cồn và Lang Xá Bàu; tranh tài ở 11 độ đua, gồm 1 độ cúng, 9 độ tiền và 1 độ Thái Bình. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Đông đảo người dân, du khách cổ vũ cho giải đua. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Những pha đua bứt tốc, nước rút hấp dẫn, kịch tính. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Màn "lộn vè" (vượt qua mốc xoay) gay cấn. Đây là vị trí thường xảy ra lật ghe đua do quay đầu đột ngột và dễ va chạm với ghe đua khác. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Ngoài đua ghe, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, tại điểm du lịch cộng đồng cầu Ngói Thanh Toàn còn diễn ra nhiều hoạt động đáng chú ý như: Tất cả các thôn của Thủy Thanh tổ chức lễ cúng hương linh bà Trần Thị Đạo - người có công xây dựng cầu ngói Thanh Toàn; khánh thành trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam xã Thủy Thanh. (Ảnh: Ngọc Văn) |
Bên cạnh đó là hoạt động công bố giải thưởng “Giới thiệu lịch sử, văn hóa địa phương bằng video clip”; liên hoan, giao lưu văn nghệ quần chúng 9 thôn và các trường học trên địa bàn xã; các hoạt động vui chơi, trải nghiệm tại Chợ đêm cầu Ngói… |
Di tích cầu Ngói - nơi thường diễn ra hội đua ghe trong các kỳ Festival Huế và những dịp lễ lớn của đất nước, đã hơn 245 năm tuổi. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Hội đua diễn ra giữa vùng quê yên bình, hữu tình. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Ông Đặng Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, cho biết, bên cạnh chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, chuỗi hoạt động lần này còn mang ý nghĩa như là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, nhằm huy động, biểu dương sức mạnh của nhân dân trong tham gia xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh nói chung, xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng xã Thủy Thanh trở thành phường trực thuộc thị xã Hương Thủy. (Ảnh: Đình Hoàng) |
Đây còn là dịp để đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Thủy Thanh - vùng đất luôn tự hào về bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng, cùng cây cầu Ngói nổi tiếng đã hơn 245 năm tuổi. (Ảnh: Ngọc Văn) |
Cầu ngói Thanh Toàn, là chiếc cầu vòm bằng gỗ với mái ngói bắc qua một con hói làng Thanh Thủy Chánh, thuộc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế, cách thành phố Huế khoảng 8 km về phía đông. Đây là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Cầu được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 575QĐ/VH ngày 14/7/1990.
Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu). Cầu dài 43 thước mộc (18,75m), rộng 14 thước mộc (5,82m), chia làm 7 gian, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói lưu ly. Cầu đầu tiên được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ đã bao lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, sau các lần hư hỏng, nhân dân xã đều chung nhau tu sửa, tôn tạo và gìn giữ.
Cầu đã được trùng tu, sửa chữa vào các năm 1847, 1906, 1956, 1971. Qua các lần tu sửa, kích thước thu hẹp chiều dài còn 16,85m và rộng là 4,63m.
Gần đây nhất, vào tháng 4/2020, cầu ngói Thanh Toàn được hạ giải để trùng tu, với tổng kinh phí 13,1 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Hương Thủy làm chủ đầu tư. Đến nay, công trình đã hoàn thành trùng tu, mở cửa đón du khách, người dân trở lại.