Nữ sinh Ka Hân, lớp 11 A1, trường THPT Nguyễn Huệ, cho biết chuối rừng mọc rải rác ở vùng núi đồi nơi em sinh sống (xã Tân Lâm, huyện Di Linh). Qua tìm hiểu trên mạng xã hội và theo lời người già trong làng thì hạt của loại quả này có thể chữa bệnh sỏi thận. Em tìm gặp cô Đoàn Thị Tám, giáo viên Sinh học, trình bày ý tưởng lập dự án làm trà túi lọc bằng hạt chuối rừng và được cô nhiệt tình ủng hộ, hướng dẫn.
Sở GD&ÐT Lâm Ðồng vừa công bố 14 dự án đạt giải tại cuộc thi “Học sinh với ý tưởng khởi nghiệp” toàn tỉnh, trong đó nữ sinh Ka Hân đoạt giải Ba. Em là học sinh dân tộc thiểu số duy nhất trong số 30 người đoạt giải.
Do chuối rừng mọc rải rác trong rừng với số lượng có hạn nên Ka Hân tính đến chuyện sản xuất giống để trồng trên đất nông nghiệp. Từ số liệu cơ quan chức năng cung cấp, Ka Hân được biết xã Tân Lâm có 273 ha đất nông nghiệp nhưng nguồn nước tưới rất hạn chế...,trong khi đó, chuối rừng là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không đòi hỏi phải tưới nước. Trước tình hình đó và với hợp đồng bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, dự án của Ka Hân đã gây được sự chú ý. Một số hộ đã đầu tư trồng chuối rừng trên diện tích đất bỏ hoang hoặc chuyển những diện tích cà phê cằn cỗi vì thiếu nước tưới sang trồng chuối. “Chuối là cây mọc thẳng nên có thể tận dụng trồng ở những diện tích đất giáp thửa. Về hiệu quả kinh tế, mỗi héc ta chuối cho thu hoạch 7 tấn quả tươi/năm, tương đương 5-6 tạ hạt khô, thu về hơn 44 triệu đồng, trong khi vốn đầu tư không nhiều”, Ka Hân chia sẻ.
Sau khi phơi khô, rang xay, bột hạt chuối rừng được đóng gói dưới dạng trà túi lọc và bảo quản trong túi zip. Một túi zip gồm 15 túi lọc được bán với giá 25.000 đồng. Qua kiểm nghiệm của Công ty Cổ phần Dịch vụ thực phẩm quốc tế FOSI, sản phẩm này có chứa saponin, một hoạt chất có tác dụng bào mòn sỏi, ức chế quá trình tạo sỏi. Tính an toàn của trà túi lọc này khá cao bởi nguyên liệu không bị ảnh hưởng bởi phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng cũng như chất bảo quản khi chế biến.
Ka Hân trong vườn chuối rừng |
“Theo một thống kê y học, tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu ở Việt Nam từ 2-12%, trong đó sỏi thận chiếm đến 40%, do đó nếu có cách tiếp cận tốt, có thể thu hút được nhiều người uống trà túi lọc này. Một số người đã dùng sản phẩm cho hay trà có hương vị thơm dịu, dễ uống và khá tiện lợi vì chỉ cần pha trà trong nước sôi là dùng được”, Ka Hân phấn khởi nói.