Chị Ma Đậm (35 tuổi) là người đầu tiên ở thôn Ma Đanh (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) trồng rau hữu cơ. Chị kể, tuổi đôi mươi đã bắt đầu đi làm thuê tại các vườn trồng rau nên chứng kiến nhà vườn bón phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều.
Không ít lần chị bị đau đầu vì hít phải các chất độc hại đó. Mặt khác, nhìn thấy nhiều nơi sản xuất kiểu “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” (một loại sản xuất hữu cơ cho ra sản phẩm sạch để người thân quen dùng, loại kia bán ra thị trường), chị liền học hỏi cách trồng rau sạch. Ma Đậm đào hố để ủ hỗn hợp gồm phân heo, phân bò, rơm rạ, vỏ cà phê… trong vài tháng; khi phân đã hoai mục thì mang ra bón lót để trồng rau.
Lúc nào vườn có sâu, gia đình chị dùng tay bắt chứ không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt. “Chọn rau đẹp để bán, còn cây nào bị sâu cắn thì hái vô nấu ăn, đảm bảo sạch và ngon”, chị chia sẻ.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất để duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang trở thành nhu cầu rất cao của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung để tham gia chuỗi nông sản toàn cầu, do đó tỉnh khuyến khích mọi thành phần cùng tham gia, từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đến hộ nông dân.
Được dùng thử rau sạch của chị Ma Đậm, nhiều phụ nữ Chu Ru ở thôn Ma Đanh rất ưng bụng, liền học hỏi để làm theo.
Sau đó, được sự hỗ trợ của tổ chức Caritas Đà Lạt, các chị cùng nhau lập ra Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM Gõh Churu.
Theo chị Ma Điểm, phụ trách kinh doanh, truyền thông của tổ hợp tác, mục đích ban đầu và xuyên suốt từ khi thành lập Tổ đến nay là vì sức khỏe của mọi người. Mặt khác, sau khi sơ chế, rau củ được lựa chọn, phân loại rồi đóng gói trong các gói và thùng giấy; giảm thiểu sử dụng bao bì, rác thải nhựa để bảo vệ môi trường.
“Các sản phẩm được thu hoạch để bán cho khách hàng cũng chính là thức ăn hàng ngày của chúng tôi nên tiêu chuẩn an toàn được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, giá bán trung bình khoảng 35 ngàn đồng/kg, chỉ cao hơn loại rau thông thường từ 20-35%, nên các sản phẩm của tổ hợp tác được tiêu thụ ổn định, lượng khách hàng ngày càng tăng”, chị Ma Phương nói.
Sau khi đi thăm vườn rau của một số thành viên tổ hợp tác này, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Thanh Phong góp ý, người trồng rau hữu cơ nên dành ra một số khoảnh đất để trồng các loại cây cỏ có khả năng thu hút côn trùng, sâu bọ vì một khi có thức ăn hợp khẩu vị, chúng sẽ khu trú ở những khu vực này, không xâm nhập tấn công các vườn rau.
Ngoài ra, quy trình sản xuất rau hữu cơ là bố trí hài hòa giữa sản xuất luân canh, xen canh rau với rau và rau với các loài thực vật có mùi hương như sả, hương thảo, húng quế, oải hương…, vốn là “khắc tinh” của côn trùng.