Lớp truyền dạy đánh chiêng Jhô của người Ê Ðê Bih |
Trong thời gian 2 tháng, các học viên sẽ được học cách diễn tấu các bài chiêng cơ bản như đón khách, mừng mùa, cúng lúa mới. Lớp học tổ chức vào các buổi tối trong tuần tại nhà văn hóa xã hoặc nhà cộng đồng buôn, do các nghệ nhân đội chiêng địa phương trực tiếp hướng dẫn và truyền dạy.
Ngoài 2 lớp truyền dạy đánh chiêng được tổ chức tại huyện Krông Ana gồm: Lớp truyền dạy đánh chiêng Jhô của người Ê Đê Bih (thị trấn Buôn Trấp) dành cho 20 bé gái từ 6-12 tuổi tham gia; Lớp truyền dạy đánh chiêng trẻ (xã Dray Sáp) có 21 học viên nam, nữ trong độ tuổi 20-40 tham gia. Trong đợt này, Sở VH-TT&DL Đắk Lắk tổ chức khai giảng thêm một lớp truyền dạy đánh chiêng M’Nông tại huyện Lắk dành cho 20 học viên từ 15-25 tuổi.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Lắk cho biết, năm nay, với nguồn kinh phí tài trợ từ Trung tâm hợp tác Quốc tế tỉnh Jeollabuk-do, sở đã phân bổ mở 3 lớp truyền dạy tại huyện Lắk và Krông Ana. Đây là những địa phương có các đội chiêng đặc trưng theo từng dân tộc. Ngoài ra, năm nay, hàng chục lớp như vậy cũng sẽ được triển khai.
Theo ông Duẩn, thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, Sở VH-TT&DL Đắk Lắk đã phối hợp với các địa phương mở lớp truyền dạy đánh chiêng, cấp phát chiêng và trang phục truyền thống của các dân tộc tại chỗ; phối hợp với các cơ quan liên quan mời gọi các nguồn lực hỗ trợ, tài trợ thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng ở tỉnh.