Người Khơ Mú coi trọng không gian của ngôi nhà, trong đó bếp là nơi quan trọng nhất. Hai cái bếp trong đó một cái chuyên việc nấu nướng hằng ngày, khu vực bếp còn lại được gọi là “bếp chủ nhà”. Đây là nơi diễn ra những nghi lễ quan trọng như lễ tết, lễ mừng nhà mới, lễ vía...
Mỗi khi dựng xong nhà mới, người Khơ Mú đều có tập tục làm lễ để cầu mong cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tập tục này xuất phát từ quan niệm của họ về thế giới thần linh, về quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Cả bản chung vui mừng cho gia chủ.
Lễ mừng nhà mới thường diễn ra vào ngày chẵn, ngày nhàn rỗi của dân bản để đông đảo bà con đến chung vui. Trước hôm lên nhà mới người Khơ Mú thường tổ chức nhảy múa để thông báo cho bà con dân bản tới dự lễ mừng nhà mới.
Căn bếp rất quan trọng với đồng bào Khơ Mú. |
Đàn ông thường là chủ gia đình và lãnh trách nhiệm trực tiếp thực hiện nghi thức cúng trong lễ. Gia chủ phải chuẩn bị các đồ dùng sinh hoạt gồm kiềng, chăn, mền, xoong nồi… không thể thiếu mâm lễ vật gồm gà luộc, xôi, nội tạng lợn, rượu trắng, 1 đôi bát, 2 đôi đũa, 2 cái thìa, bát nước luộc gà, bát chẩm chéo, một bình rượu cần. Chiêng, những ống vầu được chuẩn bị cho múa tăng bu.
Trước khi thực hiện nghi thức vào nhà mới, vị cao niên trong bản, thường là già làng, trưởng bản hoặc người có uy tín trong cộng đồng, có gia đình hạnh phúc, kinh tế khá giả được mời làm người đại diện hỗ trợ trong ngày làm lễ chính.
Khi thực hiện nghi lễ, chủ nhà sẽ thành tâm khấn để báo cáo với thần linh, thần địa, tổ tiên về việc đã làm xong nhà mới và được ngày lành tháng tốt. Họ xin thần linh phù hộ để ngôi nhà vững chắc, mọi thành viên trong gia đình khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi lúa, ngô, khoai, sắn đầy nhà, trâu, bò, lợn gà nhiều không bị dịch bệnh.
Múa tăng bu sau khi cử hành nghi lễ cúng mừng nhà mới. |
Nghi lễ kết thúc, bà con dân bản cùng gia chủ tham gia múa tăng bu trong tiếng chiêng vang rộn để tái hiện những động tác làm rẫy, đốt nương. Chủ nhà hát trước, dân bản hát theo. Cây tăng bu được làm bằng một đoạn thân cây nứa.
Nghi thức múa tăng bu bắt nguồn từ truyện cổ của người Khơ Mú. Điệu múa ra đời từ việc dùng ống nứa đi lấy nước. Những ống tre/nứa có đốt to, thẳng, dài và rỗng nhằm tạo âm thanh trong quá trình dỗ ống (rập mạnh đoạn tăn bu xuống sàn) để tạo âm thanh.
Sau một nhịp dẫn, tất cả mọi người cùng dỗ mạnh tăng bu xuống sàn tạo nên một dàn âm thanh cộng hưởng. Dàn âm thanh này luôn được giữ nhịp rất đều, những người tham gia múa vừa phải đảm bảo tạo ra âm thanh, vừa bước uyển chuyển theo nhịp điệu và giữ nhịp cho đều. Sau mấy vòng múa lại xoay chiều di chuyển một lần.
Điệu tăng bu thường được người Khơ Mú thể hiện trong dịp lễ hội, khi đón dâu về nhà trai và khi lên nhà mới.
Trong trường hợp múa chiêng khi lên nhà mới hoặc trong đời sống sinh hoạt, trước khi gõ chiêng để múa, chủ nhà phải làm lý, làm cúng xin phép tổ tiên, thần linh thổ địa cho phép gia đình tổ chức múa vui ở trong nhà. Khi dùng chiêng mới, người Khơ Mú làm lễ gọi hồn cho chiêng và xin phép thần linh,với quan niệm nếu không xin phép thì sẽ mang lại điều xấu cho gia đình và bà con dân bản.
Khép lại lễ cúng này, gia chủ mời anh em, họ hàng ngồi vào mâm cùng uống rượu cần và thưởng thức mâm cơm cúng. Những người tới dự uống rượu cần và bắt đầu với lời chúc tốt đẹp gửi tới chủ nhà.