Cũng như các thanh niên khác trong làng, lúc mới 15 tuổi, chàng thanh niên Ksor Hnao được học đánh chiêng, tạc tượng nhà mồ. Ngày ấy, khi mặt trời vừa lặn cũng là thời điểm các thanh niên trong làng đến nhà rông để cha ông dạy cách đánh từng điệu chiêng. Mê âm nhạc nên dù buổi học kết thúc, khi các thanh niên khác về nhà thì Ksor Hnao vẫn nán lại, tập nhuần nhuyễn hơn nữa. Chàng thanh niên ấy muốn đánh chiêng thật hay trong các dịp lễ hội. Điệu nhạc nào khó quá, chàng trai có ánh mắt trong veo ấy đều đến tận nhà già làng hỏi lại.
Đánh chiêng nhuần nhuyễn rồi, chàng thanh niên ấy lại muốn tìm hiểu về chỉnh chiêng, làm nhạc cụ bằng tre, nứa như đàn goong, t’rưng, sáo… Vậy nên hễ nghe vùng nào có người biết chơi nhạc cụ là cậu tìm đến nhờ chỉ bảo, bất chấp mưa gió. “Có công mài sắt”, chẳng mấy chốc sáu năm trôi qua cái tên Ksor Hnao đã nổi tiếng gần xa bởi kiến thức và đôi tay khéo léo, đánh được vô số loại nhạc cụ của vùng đất Tây Nguyên. Không để tuổi trẻ nghỉ ngơi, thời gian rảnh ông học tạc tượng nhà mồ để thoả niềm đam mê với văn hoá Tây Nguyên. Những bức tượng được ông đục đẽo mộc mạc, nhìn vào sẽ thấy được hình ảnh gần gũi, mô tả lại cuộc sống của người bản địa.
Sự kiên trì ấy đã cho trái ngọt, hầu như ngày nào chàng thanh niên Ksor Hnao cũng về các trường học ở Gia Lai, hay các tỉnh lân cận để truyền dạy cách tạc tượng, đánh chiêng và chỉnh chiêng cho mọi người. Nhớ nhất là năm 1999, ông được Viện Âm nhạc Việt Nam mời biểu diễn đàn đàn goong (ting ning) để ghi băng làm tư liệu giảng dạy, nghiên cứu, sau đó được mời về tạc tượng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội).
“Tôi may mắn lắm, mở nhà hàng dù nằm trong ngõ ngách nhưng khách Tây hay ta đều có cả. Nhờ vậy, những đứa nhỏ trong làng có thêm việc làm. Vui nhất là khi có những vị khách nhờ mình đánh cồng chiêng, các cháu vừa học vừa thể hiện được tài năng của mình”. Nghệ nhân Ksor Hnao
Lo cuộc sống hiện đại khiến lớp trẻ không còn mặn mà với nhạc cụ, văn hoá truyền thống, năm 2016, ông đã mở nhà hàng ẩm thực “Ksor Hnao” để giới thiệu, quảng bá nhạc cụ cũng như ẩm thực của người dân tộc Jrai cho khách du lịch. Quán vô cùng đặc biệt, nhất là vào những ngày cuối tuần, nghệ nhân Ksor Hnao dù đã ngoài 60 tuổi vẫn miệt mài chỉ dạy cách chỉnh, đánh cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc cho các thanh niên. Buổi học có khi ngoài trời để thực khách cùng chứng kiến quanh ngọn lửa ấm áp.
Giờ đây, rải khắp nhà hàng của nghệ nhân Ksor Hnao được treo đầy giấy khen, bằng khen từ cấp thành phố đến bộ. Đặc biệt hơn cả là căn nhà sàn rộng chừng 20m2 của nghệ nhân được bao kín cồng chiêng, các loại nhạc cụ. “Mình tối phải ngủ ở đây mới yên tâm được, sợ mất lắm”, nghệ nhân Ksor Hnao bộc bạch.